Kịch bản nào cho lễ khai giảng đặc biệt nhất lịch sử?
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên lễ khai giảng năm học 2020 – 2021 tới đây được xem như là một trong những buổi lễ 'đặc biết nhất lịch sử'.
Dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẹ đến mọi hoạt động, từ kinh tế, xã hội, chính trị cho đến giáo dục không chỉ riêng gì tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020 đặc biệt thì sắp tới đây, buổi lễ khai giảng vào ngày 5/9 cũng được xem là một trong những buổi lễ khai trường “đặc biệt nhất lịch sử” bởi những kế hoạch, dự tính khác nhau của lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đà Nẵng: Tùy vào tình hình dịch để triển khai các phương án khác nhau
Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết: “Sở đang xây dựng nhiều phương án để tùy vào tình hình dịch bệnh sẽ triển khai. Ví dụ như chúng ta sẽ cho học sinh đi học lại nếu không còn ca mắc COVID-19 nhưng sẽ không tổ chức khai giảng, không chào cờ và tăng cường phòng dịch như năm học trước. Hoặc, nếu dịch bệnh vẫn kéo dài, Đà Nẵng cũng có thể sẽ lùi thời gian bắt đầu năm học mới.
Tôi cho rằng điều này hoàn toàn bình thường vì kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua chúng ta cũng đã phải dời lại. Dĩ nhiên, chúng tôi phải tính toán kỹ về quyền lợi của học sinh nhưng quan trọng bây giờ vẫn là sự an toàn. Còn việc thi cử hay khai giảng năm học, chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng, dịch bệnh được khống chế thì chúng tôi sẽ thực hiện ngay”.
Quảng Nam: Có thể không tổ chức lễ khai giảng
Quảng Nam là một trong những địa phương phát hiện ca mắc mới COVID-19 trong đợt dịch lần này. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh còn 4 huyện đang thực hiện giãn cách xã hội. Được biết, ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục tỉnh là đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên và cộng đồng. Với những huyện, thành phố không thực hiện giãn cách xã hội, kiểm soát dịch tốt, Sở quyết định cho học sinh đến trường, dạy và học trực tiếp ngay trong ngày 5/9.
Thông tin cho hay, Quảng Nam sẽ không tổ chức khai giảng trong ngày 5/9, lễ khai giảng có thể lùi lại, tổ chức sau một, hai tuần nếu dịch được kiểm soát. Nếu hết tháng 9 dịch bệnh vẫn phức tạp, rất có thể lễ khai giảng sẽ không được tổ chức.
Đối với 4 huyện đang thực hiện giãn cách xã hội (Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và Thăng Bình), các phòng chuyên môn xây dựng chương trình học trực tuyến trong 2 tuần đầu. Ngày 5/9, các huyện này sẽ triển khai dạy học online.
TP.HCM: Lên 2 phương án tổ chức lễ khai giảng
Sở GD-ĐT TP.HCM mới đây đã có tờ trình gửi Thường trực UBND TP.HCM về kế hoạch tổ chức lễ khai giảng năm học 2020 - 2021. Theo đó, lễ khai giảng dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng 60 phút trên tinh thần ngắn gọn bao gồm các hoạt động như chào cờ, nghi thức đón học sinh mới, đọc thư của Chủ tịch nước, đánh trống khai trường… Trong tờ trình với UBND TP.HCM, Sở xin ý kiến thành phố về 2 phương án tổ chức lễ khai giảng.
Phương án 1: Vẫn tập trung đầy đủ học sinh các khối lớp tham gia dự lễ. Phương án này khó có thể đảm bảo việc giãn cách do mỗi trường có khoảng từ 1.000 đến 4.000 học sinh
Phương án 2: Tập trung đại diện học sinh các khối lớp tham dự lễ, mỗi lớp từ 10 đến 20 học sinh, riêng học sinh lớp đầu cấp (lớp 1, 6 và 10) sẽ tham dự đầy đủ. Phương án này phần nào thực hiện được quy định giãn cách nhưng ảnh hưởng đến tinh thần của học sinh không được dự khai giảng năm học mới.
Hà Nội: Dự kiến sẽ khai giảng vào ngày 5/9
UBND TP. Hà Nội mới đây vừa có quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 đối với tất cả các cấp học trên địa bàn thủ đô. Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý đã ký Quyết định số 3635/QĐ-UBND ngày 19-8-2020 về việc ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.
Theo quyết định này, ngày tựu trường của tất cả các cấp học, ngành học tại Hà Nội sớm nhất sẽ là ngày 1/9, ngày khai giảng được tổ chức thống nhất trên toàn thành phố vào ngày 5/9. Thông báo này cũng nêu rõ, trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, Giám đốc Sở GD-ĐT đề xuất phương án nghỉ học hay kéo dài năm học lên UBND thành phố quyết định. Tính đến thời điểm này, Hà Nội vẫn giữ nguyên phương án ngày 5/9 sẽ tổ chức lễ khai giảng cho hơn 2 triệu học sinh các trường trên toàn địa bàn.
Quảng Ngãi: Cử đại diện lớp tham dự
Tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức lễ khai giảng vào sáng ngày 5/9. Toàn tỉnh sẽ tổ chức lễ khai giảng với các nghi thức đón học sinh đầu cấp, trong buổi lễ sẽ có các hoạt động như chào cờ và hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch Nước, thông qua nhiệm vụ trọng tâm năm học, không phát biểu, không báo cáo thành tích,…
Vì tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên các trường học tại tỉnh Quảng Ngãi sẽ chỉ tổ chức khai giảng cho 100% học sinh đầu cấp. Các khối còn lại chỉ cử lớp trưởng, lớp phó dự lễ khai giảng. Để đảm bảo công tác an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, học sinh phải đeo khẩu trang đúng quy định. Bên cạnh đó, các trường cũng cần phải chủ động xây dựng phương án dạy học phù hợp trong tình huống phải giãn cách xã hội do dịch COVID-19 kéo dài.
Quảng Trị: Có thể khai giảng trực tiếp và trực tuyến
Đại diện của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị mới đây đã có những chia sẻ trong việc tổ chức lễ khai giảng cho học sinh trên địa bàn toàn tỉnh sắp tới. Theo đó, mặc dù địa phương không phải là “tâm dịch” nhưng hiện vẫn còn nhiều trường hợp thuộc diện F1, F2. Do đó, để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới, Sở GD-ĐT tỉnh đã chuẩn bị 2 phương án cho ngày khai giảng.
Theo đó, nếu trước ngày 5/9 dịch bệnh được khống chế hoàn toàn tại Quảng Trị, lễ khai giảng sẽ diễn ra trực tiếp như mọi năm nhưng mang tinh thần gọn nhẹ, đảm bảo không khí vui tươi cho học sinh. Thứ hai, nếu dịch vẫn chưa được khống chế, trên cơ sở ý kiến của Sở Y tế, những vùng an toàn sẽ tổ chức khai giảng trực tiếp. Vùng có dịch thì thực hiện trực tuyến. Riêng bậc mầm non, lớp 1 có thể cho lùi ngày tựu trường và lùi thời gian học.
Bình Thuận: Trực tiếp đối với các vùng an toàn hoặc online tại các vùng dịch bệnh phức tạp
Bình Thuận hiện chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào, thế nhưng Sở GD-ĐT của tỉnh vẫn dự trù nhiều phương án khai giảng vào ngày 5/9 tới đây. Cụ thể, nếu tỉnh không có ca nhiễm hoặc số ca nằm trong tầm kiểm soát, lễ khai giảng sẽ được tổ chức trực tiếp.
Thay vì kéo dài một tiếng như mọi năm, buổi lễ sẽ được làm đơn giản, ngắn gọn, dự kiến trong vòng 45 phút và mời ít đại biểu hơn. Học sinh, thầy cô và người tham dự phải đeo khẩu trang, tuân thủ giãn cách phòng dịch.
Ngoài ra, Sở cũng tham mưu với UBND tỉnh Bình Thuận phương án tổ chức khai giảng online tại các vùng dịch bệnh phức tạp. Theo kế hoạch này, tỉnh Bình Thuận có thể chia các huyện thành nhóm nguy cơ khác nhau, huyện thuộc nguy cơ thấp vẫn có thể tổ chức khai giảng trực tiếp gọn nhẹ.
Hiện tỉnh chưa chốt sẽ thực hiện theo phương án nào bởi dịch bệnh diễn biến theo ngày, khó có thể nói trước được điều gì. Gần đến ngày khai giảng, Sở GD-ĐT sẽ có thông báo và hướng dẫn cụ thể gửi đến từng trường về việc tổ chức lễ khai giảng.