Kích cầu kinh tế từ TCTD: Tận dụng nguồn lực từ tổ chức tín dụng sẽ hiệu quả hơn

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khi ngân sách có hạn, mới chỉ dừng lại ở mức an sinh xã hội thì việc tận dụng nguồn lực từ tổ chức tín dụng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với các công cụ khác…

Cơ hội cho thị trường tín dụng tiêu dùng

Tại Tọa đàm về thị trường tài chính tiêu dùng với chủ đề: “Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng” diễn ra vào 21/5 tại Hà Nội do báo Đầu tư tổ chức, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, hiện nay, dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản kiểm soát đã tốt. Việt Nam vẫn đang đón nhận một số ca nhiễm virus từ đồng bào Việt trên thế giới trở về nhưng cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, một nguy cơ đang xảy ra đó là các nước trên thế giới vẫn chưa thấy tín hiệu dừng các ca nhiễm Covid-19 trong thời gian ngắn. Đây là khó khăn và thách thức đối với nền kinh tế của nước ta khi chưa hoạt động bình thường, đặc biệt là hoạt động kết nối kinh tế với bên ngoài.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Liên quan đến giải pháp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam, ông Phương cho rằng: "Chủ trương hiện nay là hướng tới tận dụng thị trường nội địa. Bên cạnh công cụ giải ngân đầu tư công thì kích cầu tài chính tiêu dùng được coi như giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, làm thế nào để kích cầu tài chính tiêu dùng lại không phải bài toán dễ dàng?"

Cũng theo ông Phương, khi dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống của người dân, Nhà nước đã hỗ trợ nền kinh tế bằng nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó có công cụ tiền tệ, tài khóa. Tuy nhiên, ngân sách lại có hạn, mới chỉ dùng lại ở mức an sinh xã hội, rất khó để có khoản tiền để chi trả cho các cá nhân.

Do vậy, nguồn lực từ tổ chức tín dụng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với các công cụ khác. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại đã có những điều chỉnh nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với tín dụng tiêu dùng thông qua Thông tư 01.

Thực tế, thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước theo Thông tư 01, Fe Credit đã đưa ra chính sách hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu vay tiền của người dân có thu nhập trung bình và thấp. Cụ thể, Fe Credit đã nhanh chóng đưa ra các chính sách hỗ trợ từ tháng 02 đến hết tháng 6/2020 cho khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh.

Theo đó, Fe Credit đã thực hiện miễn giảm lãi cho hơn 185.000 khách hàng hiện hữu, chia nhỏ các khoản thanh toán cho khách hàng có khó khăn về tài chính, hoặc chấp nhận hoãn việc thanh toán trong 3 tháng, đồng thời xem xét miễn giảm phí chậm thanh toán đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bới Covid19.

Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, dù dịch bệnh nhưng Việt Nam đang được kỳ vọng vào tăng trưởng trung hạn khi sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu có lợi. Cũng trong thời điểm này, nội địa trở thành thị trường chủ lực. Đây là cơ hội cho để kích tiêu dùng trong nước.

Ông Tú Anh cũng đánh giá ưu thế của cho vay tiêu dùng: "Một trong những lợi thế lớn nhất của cho vay tiêu dùng đó là quy mô khách hàng lớn, giá trị các khoản vay nhỏ do đó rủi ro của một nhóm khách hàng có thể được bù đắp bởi rủi ro của các nhóm khách hàng khác".

Tạo đà cho tín dụng tiêu dùng tăng trưởng

Mặc dù đánh giá cao công cụ tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế song các chuyên gia đều cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid khiến lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng là điều cần thiết cũng như thúc đẩy nền lĩnh vực này tăng trưởng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh: "Do điều chỉnh hạn mức cho vay, đối tượng cho vay nên ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Người vay phải có việc làm thì mới đẩy mạnh được tài chính tiêu dùng.

Bởi nếu người vay không có việc làm sẽ dẫn tới rủi ro trong vay tài chính tiêu dùng. Chính vì vậy, chúng ta cần tạo điều kiện cho hoạt động tài chính tiêu dùng phát triển".

Trong khi đó, ông Tú Anh phân tích, tổ chức tín dụng đang chịu tác động rất mạnh từ ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế. Việc làm, thu nhập và tiêu dùng là 3 kênh đang chịu tác động trực tiếp từ dịch, cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tổ chức tín dụng. Trong khi đó Covid19 không phải là một rủi ro cục bộ mà một rủi ro hệ thống nên khả năng phân tán rủi ro của tổ chức tín dụng đang bị vô hiệu.

Tại cuộc Tọa đàm, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, để tái khởi động nền kinh tế, thúc đẩy tổ chức tín dụng phát triển, cần phải thực hiện nhiều giải pháp.

Điển hình như cần khẩn trương chi hỗ trợ 62 ngàn tỷ cứu trợ người mất việc, nghèo khó duy trì cuộc sống; giải ngân gói 16 ngàn tỷ đồng 0% lãi suất từ VBSP đối với doanh nghiệp để trả lương.

Bên cạnh đó, ông Hòe cũng đưa ra các giải pháp như cần “kích cầu tạo việc làm có thu nhập từ chi tiêu công 700 ngàn tỷ đồng (nút thắt chính là thủ tục hành chính), cho vay tiêu dùng với món nhỏ, lãi suất hợp lý, thời gian trả nợ cần kéo dài hơn so trước kia.

Đặc biệt, cần tăng cường giáo dục tài chính cá nhân cho người lao động là yêu cầu không thể thiếu. Công bố điểm tín dụng cá nhân cho bản thân họ; tích hợp các yếu tố tính điểm chuẩn để gia tăng trách nhiệm người vay không vay bằng mọi giá. Chấn chỉnh hoạt động cho vay cầm đồ. Xử lý tội cho vay nặng lãi và bắt buộc gỡ các App cho vay bất hợp pháp, truy tìm xử lý loại công ty ma này…

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kich-cau-kinh-te-tu-tctd-tan-dung-nguon-luc-tu-to-chuc-tin-dung-se-hieu-qua-hon-post80060.html