Kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm: Giúp lưu thông dòng chảy tín dụng?

Mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ sâu so với năm 2022, các ngân hàng thương mại cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, chủ động tìm kiếm khách hàng,… nhưng việc giải ngân vẫn gặp khó khăn. Đó là những thông tin được đưa ra tại cuộc họp về điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian cuối năm 2023, được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì vừa qua...

Kích cầu tiêu dùng cuối năm sẽ là đòn bẩy giúp lưu thông dòng chảy tín dụng về đích? (Ảnh chụp tại siêu thị BigC). Ảnh: Khánh Huy

Kích cầu tiêu dùng cuối năm sẽ là đòn bẩy giúp lưu thông dòng chảy tín dụng về đích? (Ảnh chụp tại siêu thị BigC). Ảnh: Khánh Huy

Tiền có nhưng khó giải ngân?

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, đến thời điểm hiện tại tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,4%, thấp hơn so với kế hoạch đặt ra là phấn đấu tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống năm 2023 khoảng 14%.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 23/11/2023, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái mức đã giao cho các tổ chức tín dụng. Theo đó dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn khoảng 6,2% tương đương khoảng 735 nghìn tỷ đồng để cấp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của DN và nền kinh tế còn yếu…

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng: Tiên phong, Sacombank, Techcombank, VPBank, MBBank,… cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm nay 14,5% cao hơn trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, cầu tín dụng suy giảm, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành khá hợp lý, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ sâu so với năm 2022, các ngân hàng thương mại cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, chủ động tìm kiếm khách hàng,… nhưng việc giải ngân vẫn gặp khó khăn. Từ nay tới cuối năm các ngân hàng sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, rà soát lại các khách hàng, nỗ lực đẩy mạnh cho vay, nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cho rằng, về vốn, hiện các ngân hàng không thiếu nhưng để “bơm vốn” cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung, chính sách tín dụng nói riêng để bơm vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2023, tăng trưởng tín dụng không đạt được như mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 14,5% (tính đến 23/11, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,35%, dư địa còn trên 6%).

Phó Thủ tướng đề nghị trong dịp cuối năm, NHNN cần phân tích, đánh giá cụ thể, chi tiết, đầy đủ tất cả các khía cạnh trong điều hành tín dụng, khả năng hấp thụ vốn, rà soát tất cả các vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ kịp thời nhằm điều hành tốt hơn trong năm tới.

Trong thời gian còn lại của năm 2023, Phó Thủ tướng đề nghị NHNN bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực hơn nữa tìm thêm các giải pháp điều hành, cấp tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của pháp luật và bảo đảm an toàn hệ thống.

Kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm linh hoạt của người tiêu dùng trong những tháng cuối năm, Trung tâm Xúc tiến, đầu tư, thương mại và du lịch TP. Hà Nội đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2023. Chương trình được kích hoạt với nhiều hoạt động điểm nhấn nhằm tăng cường phát triển hoạt động xúc tiến thương mại, sản xuất - kinh doanh trên địa bàn Thủ đô. Trong thời gian diễn ra Tháng khuyến mại, các DN, nhà bán lẻ và nhà sản xuất kích hoạt hơn 1.000 điểm bán hàng khuyến mại và 50 điểm vàng khuyến mại với mức giảm giá hơn 50%.

Đối với lĩnh vực hàng tiêu dùng, đại diện các hệ thống siêu thị tổng hợp lớn như BRGmart, Big C, Winmart... cũng đã “lên dây cót” từ đầu tháng 11/2023 để phục vụ nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm. Các đơn vị đã làm việc với rất nhiều nhà cung cấp lớn để chuẩn bị nguồn hàng chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ với mức giá ưu đãi 10 - 50%, tùy mặt hàng.

Từ nay đến Tết Nguyên đán còn hơn 2 tháng và cũng là những tháng cao điểm mua sắm, các chương trình kích cầu tiêu dùng tiếp tục được các nhà sản xuất chuẩn bị cũng như các kênh bán hàng đưa ra sẽ là đòn bẩy giúp lưu thông dòng chảy tín dụng về đích?

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//kich-cau-tieu-dung-nhung-thang-cuoi-nam-giup-luu-thong-dong-chay-tin-dung-362178.html