Kiểm soát chặt chẽ nợ công

Chiều 3-11, Dự thảo Luật Quản lý nợ công được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Việc xây dựng Luật nhằm nhanh chóng kiểm soát chặt chẽ nợ công càng trở nên cần thiết khi tỷ lệ nợ công đến cuối năm nay dự kiến khoảng 62,6% GDP, gần chạm trần 65% Quốc hội cho phép

Theo luật hiện hành, nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ địa phương và nợ chính phủ bảo lãnh. Nợ doanh nghiệp Nhà nước tự đi vay vốn dĩ không được tính vào nợ công nhưng trong thực tế, một số doanh nghiệp không có khả năng trả nợ thường đề xuất Chính phủ trả thay, bởi vậy khiến túi nợ công “phình” to.

Dự thảo luật mới nhấn mạnh không chuyển nợ doanh nghiệp Nhà nước thành nợ công với mục đích khiến doanh nghiệp Nhà nước gắn chặt huy động và sử dụng vốn với trách nhiệm trả nợ. Ngoài ra, dự thảo luật mới cũng đưa ra bộ chỉ tiêu an toàn nợ công bao gồm: Nợ công so với GDP; nợ của Chính phủ so với GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách Nhà nước.

Hiện đàm phán vay nợ do 3 cơ quan thực hiện là Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trách nhiệm trả nợ thuộc duy nhất một đầu mối là Bộ Tài chính. Vì vậy, thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản thống nhất đề nghị nên xem xét gắn trách nhiệm vay và trả nợ vào một đầu mối.

Về vấn đề này, đại biểu Đinh Thị Bình (Đoàn Phú Thọ) nhất trí với việc giao về một đầu mối và cho rằng điều này sẽ góp phần giảm biên chế, phù hợp với chủ trương sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế, tăng niềm tin giảm phiền hà cho người cho vay cũng như người vay. Đồng thời, đưa danh mục nợ về một cơ quan quản lý, từ đó có một bức tranh tổng thể về nợ trong nước, nợ nước ngoài, nợ dài hạn, nợ ngắn hạn, từ đó, phục vụ tốt hơn cho công tác phân tích nợ, giảm rủi ro của nợ, đánh giá tổng thể nhu cầu vay.

Đại biểu băn khoăn trong điều kiện nợ công tăng cao như hiện nay thì việc ký kết ODA và vay ưu đãi nước ngoài vẫn dàn trải ở 3 cơ quan, nhưng chỉ có một cơ quan tổng hợp cân đối nguồn vốn trả nợ. Theo đại biểu tỉnh Phú Thọ, điều này chưa khắc phục được tình trạng quản lý nợ công chồng chéo, chưa gắn được trách nhiệm vay nợ với trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công. Đại biểu thống nhất với phương án giao một cơ quan chủ trì đàm phán, ký kết các khoản vay thương mại, vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài.

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang) cho rằng, dự thảo luật giao chính phủ thống nhất quản lý về nợ công, Bộ Tài chính là đầu mối giúp Chính phủ quản lý về nợ công. Tuy nhiên, theo đại biểu, trong dự thảo luật không quy định nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch- Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, khoản 3 điều 15 quy định: Các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nợ công theo phân công của Chính phủ. Đại biểu cho rằng, việc quy định như thế còn mập mờ, không rõ trách nhiệm của các cơ quan về quản lý nợ công và không tạo hành lang pháp lý cụ thể khi triển khai thực hiện cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thực hiện quản lý Nhà nước về nợ công.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang). Ảnh: Văn Bình.

Đại biểu đồng ý với phương án giao trách nhiệm Bộ Tài chính là đầu mối quản lý về nợ công như trong dự thảo luật nhưng đề nghị làm rõ trách nhiệm tổng thể của nợ công bao gồm cả nợ trong nước và nợ nước ngoài, cũng như tiến độ trả nợ.

Đại biểu tỉnh An Giang nêu rõ: Về chỉ tiêu an toàn nợ công, thực trạng nợ công của nước ta sát với giới hạn Quốc hội cho phép là 65%GDP, do tăng trưởng kinh tế chậm và thực hiện các chính sách ưu đãi miễn giảm, gia hạn thuế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhằm tăng thu ngân sách để duy trì đà tăng trưởng hợp lý. Trong khi nhu cầu chi ngân sách nhà nước để phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng đã tạo áp lực lớn cho ngân sách nhà nước, khiến bội chi ngân sách nhà nước tăng cao. Đồng thời, do việc giải ngân vốn ODA cao hơn kế hoạch trong khi huy động vốn trái phiếu chính phủ và quy mô GDP thực tế giảm so với kế hoạch, từ đó tác động đến tăng nợ công. Vì vậy, đại biểu kiến nghị, dự thảo cần bổ sung chỉ tiêu nợ chính phủ so với thu ngân sách nhà nước và chỉ tiêu nghĩa vụ nợ chính phủ sau khi thu ngân sách nhà nước để bao hàm đầy đủ các yếu tố tác động đến tăng nợ công, bảo đảm an toàn và bền vững nợ công khi triển khai thực hiện.

Về đối tượng được bảo lãnh, dự thảo quy định là những doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đại biểu cho rằng, quy định như trên chưa chặt chẽ so với Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công,

Đại biểu đề nghị rà soát những doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh theo quy định, và thực hiện những dự án mang tính phục vụ an sinh xã hội, nhằm triển khai dự án thuận lợi, tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội, có như vậy mới giảm được áp lực nợ công đang cao như hiện nay.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội).

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) thì cho rằng, dự thảo chưa có quy định về những điều kiện cần tuân thủ mang tính nguyên tắc để làm thế nào khi vay vốn thì không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Đại biểu dẫn chứng, trong thời gian qua, có nhiều khoản vay vốn không mang lại nhiều lợi ích: Khi phát hành trái phiếu quốc tế, lãi suất quốc tế cao hơn lãi suất trong nước, gây bất lợi cho nền kinh tế; khi vay ODA kèm theo nhiều yêu cầu của nhà cấp vốn như điều kiện kỹ thuật, công nghệ trong khi chúng ta mất đi cơ hội cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước; hay khi phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước, thu hút bằng việc lãi suất cao thì sẽ cạnh tranh vốn với các doanh nghiệp....

THẢO NGUYỄN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/kiem-soat-chat-che-no-cong-522541