Kiểm soát chặt chẽ rủi ro nợ xấu
Mặc dù các ngân hàng (NH) công bố những kết quả khả quan về tăng trưởng lợi nhuận của năm 2020, tuy nhiên vấn đề nợ xấu vẫn là một gánh nặng rất lớn đối với các NH, khi khối nợ xấu đã tăng mạnh trong năm 2020 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021. Do đó, bên cạnh việc tích cực xử lý nợ xấu, các NH cũng cần chủ động trích lập dự phòng rủi ro.
Kiểm soát chặt chẽ rủi ro nợ xấu
ĐẶNG HÀ MY
Thứ Ba, 19-01-2021, 17:00
Mặc dù các ngân hàng (NH) công bố những kết quả khả quan về tăng trưởng lợi nhuận của năm 2020, tuy nhiên vấn đề nợ xấu vẫn là một gánh nặng rất lớn đối với các NH, khi khối nợ xấu đã tăng mạnh trong năm 2020 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021. Do đó, bên cạnh việc tích cực xử lý nợ xấu, các NH cũng cần chủ động trích lập dự phòng rủi ro.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2020 mới được hàng loạt NH công bố, năm 2020, bất chấp những khó khăn do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, nhiều NH ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh so năm 2019 hoặc vượt kế hoạch đề ra. Đơn cử, trong bốn NHTM có vốn nhà nước, ngoại trừ BIDV công bố lợi nhuận giảm 16%, các NH khác đều ghi nhận vẫn giữ được lợi nhuận ổn định. Cụ thể, lợi nhuận Vietcombank đạt hơn 23.068 tỷ đồng, tương đương năm 2019; Vietinbank có tổng lợi nhuận riêng lẻ trước thuế là 16.450 tỷ đồng, tăng trưởng 43,5% so năm 2019; Agribank báo lãi gần 13.000 tỷ đồng, tăng gần 3% so kế hoạch đề ra.
Tăng trưởng lợi nhuận còn ghi nhận mức cao hơn ở khối NHTM cổ phần. Đơn cử, lợi nhuận hợp nhất năm 2020 của MB đạt 10.688 tỷ đồng, tăng 6,3% so năm 2019 và vượt 19% kế hoạch cả năm. Hay MSB công bố lợi nhuận trước thuế cả năm 2020 đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 94% so năm 2019. TP Bank công bố lãi trước thuế hơn 4.300 tỷ đồng, tăng 11% và vượt 8% kế hoạch đề ra…
Theo chuyên gia tài chính - NH Nguyễn Trí Hiếu, có một số nguyên nhân lý giải cho sự tăng trưởng lợi nhuận của các NH trong năm 2020, trước hết là do sự cải thiện tăng trưởng tín dụng (TTTD) trong những tháng cuối năm. Nửa đầu năm 2020, TTTD toàn hệ thống NH chỉ đạt khoảng hơn 2%. Tín dụng bắt đầu ghi nhận xu hướng tăng nhanh từ quý III - 2020, khi tình hình dịch bệnh trong nước dần được khống chế và các doanh nghiệp bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh (SX-KD) trở lại. Theo đó, hết quý III - 2020, TTTD đạt hơn 6% và đến cuối năm 2020, TTTD toàn hệ thống đã đạt khoảng hơn 11%.
Bên cạnh đó, lợi nhuận NH tăng còn bởi xu hướng giảm “lệch pha” giữa lãi suất cho vay (LSCV) và lãi suất huy động (LSHĐ), cụ thể là LSCV giảm chậm hơn LSHĐ, từ đó biên lãi thuần được cải thiện. Trong khi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (TT 01) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho phép hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, không phải chuyển nhóm nợ với phần dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, do vậy các NH chưa phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều như thực tế và như vậy, “bộ đệm” dự phòng rủi ro chưa “ăn” vào lợi nhuận của các NH nên lợi nhuận tăng. NHNN ước tính, đến cuối năm 2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 335.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600.000 khách hàng với dư nợ hơn một triệu tỷ đồng.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV Cấn Văn Lực thì cho rằng, nhiều NH ghi nhận kết quả tăng trưởng lợi nhuận khả quan trong năm 2020 còn nhờ đa dạng hóa nguồn thu, không quá phụ thuộc mảng hoạt động tín dụng. Theo đó, nhiều NH ghi nhận có nguồn thu lớn từ mảng dịch vụ như dịch vụ thanh toán trực tuyến, dịch vụ bán chéo sản phẩm bảo hiểm, hay nguồn thu từ các mảng kinh doanh khác cũng gia tăng tốt. Nhiều NH còn mạnh tay cắt giảm chi phí hoạt động và việc tiết giảm chi phí này đã góp phần giúp các NH có những kết quả “đẹp” về lợi nhuận trong năm 2020.
Mặc dù các NH đã công bố những kết quả khả quan về tăng trưởng lợi nhuận của năm 2020, nhưng theo các chuyên gia, các NH cũng rất “nặng gánh” với vấn đề nợ xấu, bởi rủi ro từ nợ xấu ngày một lớn. Ông Cấn Văn Lực cho biết, đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống NH ở vào mức khoảng 3% (cuối năm 2019 ở mức 1,89%) và nợ xấu gộp khoảng 5% cuối năm 2020 (cuối năm 2019 ở mức 4,65%). Dự báo năm 2021, khối nợ xấu này còn có thể tăng, với tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3,5% - 4% và nợ xấu gộp khoảng 5,5 - 6% đến cuối năm 2021. Trong năm 2021, có thể kinh tế sẽ tốt lên, DN khôi phục hoạt động SX-KD tốt hơn sẽ giảm rủi ro về nợ xấu, nhưng rõ ràng số lượng nợ cơ cấu lại của các NH đang tương đối nhiều. Hiện lượng nợ đang được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo TT 01 vào khoảng gần 335.000 tỷ đồng. Nếu chia cho tổng dư nợ hiện tại là khoảng 8,5 triệu tỷ đồng thì nợ xấu tiềm ẩn từ nợ cơ cấu là 4%. Đây sẽ là khó khăn, thách thức rất lớn đối với các NH trong năm 2021.
Trước thực tế khối nợ xấu tiếp tục xu hướng tăng cao trong năm 2021, để kiểm soát rủi ro nợ xấu, ông Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị, bên cạnh việc tích cực xử lý nợ xấu, các NH cũng cần chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu. Đối với hoạt động tín dụng, theo quy định hiện hành, với mỗi đồng vốn cho vay ra các NH phải trích lập 0,75% dự phòng rủi ro chung, chưa kể các khoản dự phòng rủi ro cụ thể theo nhóm nợ. Các NH vẫn đang thực hiện quy định cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, song để tránh gặp rủi ro trong vấn đề kiểm soát nợ xấu có thể xảy ra trong tương lai, các NH cần chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu tiềm ẩn, những khoản nợ xấu đã được cơ cấu lại để phòng xa.
Ở góc độ cơ quan quản lý, mới đây Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, mặt bằng LSHĐ thấp kỷ lục như hiện nay là cơ hội để NH giảm LSCV hỗ trợ DN, chứ không phải để NH hưởng biên lợi nhuận cao. Trong năm 2021, các NH vẫn cần tiếp tục giảm LSCV để hỗ trợ người dân và DN.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-kinhte/kiem-soat-chat-che-rui-ro-no-xau-632286/