Kiểm soát chặt việc kê khai giá, tránh lợi dụng tăng giá bất hợp lý
Kiểm soát lạm phát nhưng không thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ; đồng thời gắn với thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 1/7/2020. Thông báo nêu rõ, trong 6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo thống nhất tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sự ổn định và nền tảng thuận lợi cho các nhà đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân.
Ban Chỉ đạo kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%; trong chỉ đạo điều hành giá lựa chọn thời điểm, mức độ, điều chỉnh đồng bộ các công cụ chính sách để không ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát. Kiểm soát lạm phát nhưng không thực hiện thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ; các chính sách kiểm soát lạm phát phải gắn với thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng.
Theo đó, để đạt mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu công tác điều hành giá phải kết hợp đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các biện pháp vĩ mô, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ quan trọng thiết yếu như xăng dầu, y tế, giáo dục, lương thực, thực phẩm...
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật các kịch bản điều hành giá phù hợp với mục tiêu đề ra. Trong điều kiện thực sự cần thiết, có thể điều hành ở mức tiệm cận nhưng không được cao hơn 4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả thị trường quốc tế và trong nước để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu trong thời gian trong và sau dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; tiếp tục tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đồng hành, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, đánh giá thực hiện và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế chính sách quản lý, điều hành giá cho phù hợp với thực tế hiện nay; khắc phục chồng chéo, vướng mắc; đồng thời xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ chế phối hợp và đẩy mạnh công khai, minh bạch trong quản lý điều hành giá, nhất là các mặt hàng quan trọng, thiết yếu.
Đồng thời nghiên cứu xây dựng chỉ số giá tham chiếu trong nước và khu vực một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu để các doanh nghiệp có cơ sở áp dụng thực hiện thống nhất.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp lớn, các hiệp hội ngành hàng có những chương trình khuyến mại, giảm giá, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) nghiên cứu xây dựng chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số giá tham chiếu của một số hàng hóa quan trọng thiết yếu để phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành giá.
Tổ chức thực hiện kiểm soát chặt chẽ đối với công tác kê khai giá thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành và địa phương; tránh lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.
Để kiểm soát tình hình giá thịt lợn trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời thực hiện ngay các giải pháp sau để đảm bảo nguồn cung, kiểm soát tốt chi phí từng khâu và có giải pháp giảm giá thịt lợn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tái đàn, tăng đàn, đưa ra số liệu cụ thể về lượng thịt lợn dự kiến cho từng tháng, quý để chủ động có phương án cân đối cung cầu phù hợp; phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thúc đẩy nhập khẩu thịt lợn và lợn sống theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể nhập khẩu được lợn về giết thịt ngay và nuôi lợn thịt từ các nước lân cận để giảm ngay áp lực cho nguồn cung.
Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức tốt công tác tái đàn an toàn kết hợp với việc tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng, an toàn sinh học nhằm tránh dịch bệnh tái phát; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm soát, giám sát chặt chẽ công tác nhập khẩu lợn sống phòng chống nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh và hành vi gian lận thương mại./.