Kiểm soát chặt vốn nhà nước trong đầu tư xây dựng

Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định về việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Hiện dự thảo Nghị định đang được xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan.

Các địa phương sẽ được hướng dẫn cụ thể quản lý chi phí đầu tư xây dựng

Tạo hiệu quả trong đầu tư xây dựng

Theo nội dung Dự thảo mới nhất về việc hướng dẫn quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì sau khi Nghị định này có hiệu lực sẽ là cơ sở để hướng dẫn việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Các chi phí này bao gồm có tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra, còn có quyền và nghĩa vụ của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng và điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Nguyên tắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải bảo đảm mục tiêu đầu tư, hiệu quả dự án đã được phê duyệt, phù hợp với trình tự đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Xây dựng và nguồn vốn sử dụng. Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ theo từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng phù hợp với yêu cầu thiết kế, điều kiện xây dựng, mặt bằng giá thị trường tại thời điểm xác định chi phí và khu vực xây dựng công trình. Chi phí đầu tư xây dựng của các dự án sử dụng vốn nhà nước phải được thực hiện theo quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng tại Nghị định này.

Nhà nước thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng thông qua việc ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật. Hướng dẫn phương pháp lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đo bóc khối lượng công trình, giá ca máy và thiết bị thi công, điều chỉnh dự toán xây dựng, chỉ số giá xây dựng, kiểm soát chi phí trong đầu tư xây dựng. Ngoài ra, Nhà nước hướng dẫn và quản lý việc cấp chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng; công bố các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, định mức xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 136 Luật Xây dựng.

Chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm quản lý chi phí đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến khi kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng trong phạm vi tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt bao gồm cả trường hợp tổng mức đầu tư được điều chỉnh theo quy định. Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực để lập, thẩm tra, kiểm soát và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Mặt khác, để đảm bảo hiệu quả trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chi phí đầu tư xây dựng phải được thực hiện trên cơ sở các hồ sơ tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, dự toán gói thầu xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng và chỉ số giá xây dựng của công trình đã được người quyết định đầu tư, chủ đầu tư chấp thuận sử dụng để quản lý chi phí phù hợp với trình tự đầu tư xây dựng và các quy định, hướng dẫn về lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Tạo cơ chế quản lý

Nhằm quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng hiệu quả, dự thảo Nghị định quy định rõ, Bộ Xây dựng là cơ quan chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng. Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, phương pháp đo bóc khối lượng xây dựng công trình, giá ca máy và thiết bị thi công, điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, chỉ số giá xây dựng, kiểm soát chi phí trong đầu tư xây dựng, quy đổi vốn đầu tư xây dựng, hướng dẫn đào tạo nghiệp vụ định giá xây dựng và quản lý hành nghề định giá xây dựng. Công bố định mức xây dựng, định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, giá xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng quốc gia và các chỉ tiêu khác. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Căn cứ phương pháp lập định mức xây dựng do Bộ Xây dựng hướng dẫn, các Bộ và UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng và công bố các định mức xây dựng cho các công việc chuyên ngành, đặc thù của Bộ, địa phương. Ngoài ra, UBND cấp tỉnh hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, công bố giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, chỉ số giá xây dựng tại địa phương và kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết: Dự thảo Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng là rất cần thiết, nếu được thông qua sẽ tạo thuận lợi trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Hiện nay, theo Nghị định 15 thì quản lý chi phí đầu tư xây dựng giao cho các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát, chưa có sự hướng dẫn cụ thể. Mà theo Luật Xây dựng thì vấn đề kiểm soát vốn nhà nước là rất cần thiết.

Thành Luân

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/phap-luat/kiem-soat-chat-von-nha-nuoc-trong-dau-tu-xay-dung.html