Kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh động vật nơi cửa ngõ

22 giờ đêm, gió lạnh, sương mù bao phủ xung quanh Trạm kiểm dịch động vật Vân Hồ tại bản Lóng Luông, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ. Chứng kiến công việc của các anh phần nào hiểu được những khó khăn, vất vả của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh động vật nơi cửa ngõ của tỉnh.

Trạm kiểm dịch động vật Vân Hồ tại bản Lóng Luông, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ.

Trạm kiểm dịch động vật Vân Hồ tại bản Lóng Luông, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ.

Trạm Trưởng Trạm kiểm dịch động vật Vân Hồ Nguyễn Văn Trung, chia sẻ: Khung giờ từ 22 giờ đêm đến sáng là thời điểm Trạm hoạt động tất bật nhất, bởi xe chở động vật thường tranh thủ lúc trời mát để gia súc không bị chết nên thường hoạt động vào ban đêm. Thời điểm những ngày giáp Tết Nguyên Đán nhu cầu sử dụng sản phẩm động vật, các loại thịt gia súc, gia cầm tăng cao, việc giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm tiềm ẩn nguy cơ lây lan các loại dịch bệnh, như cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu, bò và dịch tả châu Phi trên đàn lợn, anh em tôi phân công nhau túc trực 24/24 giờ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển động vật qua địa bàn; kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển động vật không có giấy kiểm dịch, giấy kiểm định an toàn dịch bệnh, không có nguồn gốc xuất xứ…

Cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Vân Hồ kiểm tra phương tiện chở động vật.

Cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Vân Hồ kiểm tra phương tiện chở động vật.

Trạm kiểm soát động vật Vân Hồ hiện có 6 cán bộ gồm các lực lượng Công an, quản lý thị trường và thú y. Vị trí của trạm nằm ở khu vực thường xuyên bị sương mù vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, lưu lượng phương tiện giao thông lớn, hạn chế tầm nhìn và khó quan sát, nên việc kiểm tra kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua Trạm gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua Trạm bằng nhiều phương tiện, hình thức vận chuyển khác nhau; một số chủ hàng, chủ phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không chấp hành, không tạo điều kiện và gây khó dễ cho công tác kiểm tra kiểm soát.

Trung úy Cao Hoàng Hiệp, cán bộ Công an huyện Vân Hồ, tăng cường làm nhiệm vụ tại Trạm, chia sẻ: Xe chở động vật thường để thùng thoáng mát trong quá trình di chuyển nên dễ kiểm soát hơn. Khó nhất vẫn là việc một số cá nhân lợi dụng xe khách để chở sản phẩm từ động vật không rõ nguyền gốc nếu không có tin báo rất khó dừng phương tiện để kiểm tra xử lý.

Cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Vân Hồ kiểm đếm số lượng gia súc.

Cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Vân Hồ kiểm đếm số lượng gia súc.

Vào dịp cuối năm, lưu lượng xe chở động vật ra vào địa bàn tỉnh tăng, cùng với đó một số đối tượng vẫn lén lút vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc trên xe khách. Trạm đã xây dựng kế hoạch kiểm soát trước trong dịp Tết nguyên đán, thường trực 24/24 giờ; tăng cường phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh) và Đội cảnh sát giao thông công an huyện Vân Hồ tổ chức chặn xe có dấu hiệu vi phạm, hoặc nhận được tin báo, với quyết tâm không để bất kỳ phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm nào chưa được kiểm tra, phun thuốc tiêu độc, khử trùng vào địa bàn tỉnh.

Kiểm tra dấu niêm phong, kẹp chì phương tiện vận chuyển động vật.

Kiểm tra dấu niêm phong, kẹp chì phương tiện vận chuyển động vật.

Trong năm 2021, Trạm đã kiểm tra, phun khử trùng tiêu độc trên 600 lượt phương tiện chở động vật và sản phẩm động vật; trên 200.000 con gia súc, gia cầm và hơn 50 tấn sản phẩm từ động vật. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý 4 trường hợp vi phạm quy định trong vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, vận chuyển không có nguồn gốc xuất xứ, lập biên bản vi phạm hành chính 4 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước 20 triệu đồng, tiêu hủy 1,6 tấn sản phẩm động vật không đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Kiểm tra đóng dấu kiểm dịch động vật cho chủ các phương tiện vận chuyển.

Kiểm tra đóng dấu kiểm dịch động vật cho chủ các phương tiện vận chuyển.

Anh Tòng Văn Ngoãn, xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu chuyên buôn trâu bò tuyến Sơn La - Ninh Binh, chia sẻ: Trung bình mỗi tháng, tôi có 6 chuyến xe chở trâu bò từ Sơn La về Ninh Bình tiêu thụ. Chở hàng qua Trạm chúng tôi đều chấp hành nghiêm các quy định; đảm bảo đầy đủ giấy tờ kiểm dịch. Tôi thấy việc kiểm dịch rất là quan trọng vừa phòng, chống dịch bệnh trên gia súc vừa đảm bảo nguồn thực phẩm sạch từ động vật cho người dân.

Đêm không ngủ của cán bộ, nhận viên Trạm kiểm soát dịch động vật Vân Hồ khi đồng hồ đã chỉ sang ngày mới. Công việc thầm lặng của cán bộ, nhân viên đang nỗ lực góp phần hạn chế nguy cơ dịch bệnh ở động vận lây lan, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Việt Anh- Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/kiem-soat-phong-ngua-dich-benh-dong-vat-noi-cua-ngo-47081