Kiểm soát việc kinh doanh, sử dụng thuốc trừ cỏ cháy

Đang vào thời điểm trồng ngô vụ thu đông, các địa phương trong tỉnh bà con đang tập trung làm cỏ, vệ sinh đồng bãi. Tuy nhiên, thay vì sử dụng các biện pháp an toàn, tình trạng sử dụng thuốc trừ cỏ có hoạt chất độc hại vẫn diễn ra khá phổ biến.

Trước đây, sau mỗi vụ ngô, cánh đồng Ba Lông, phường Nông Tiến (T.P Tuyên Quang) rộng gần 10 ha trở thành điểm chăn thả gia súc lý tưởng của của người dân thuộc các tổ 7, tổ 8. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây không một hộ chăn nuôi nào dám chăn thả gia súc vì tình trạng sử dụng thuốc trừ cỏ diễn ra tràn lan. Điều đáng nói, loại thuốc bà con sử dụng để diệt cỏ là các loại thuốc vô cùng độc hại như Gardon 2.4D, Fansipan 200SL, Parato 276SL, Sư tử đỏ…

Anh Phạm Quốc Khánh, tổ 8, phường Nông Tiến, người có đất canh tác trên cánh đồng cho biết, hầu hết những hộ dân có đất canh tác ở cánh đồng này sử dụng thuốc trừ cỏ cháy để diệt cỏ dại. Theo anh Khánh, với thuốc diệt cỏ cháy chỉ sau khi phun thuốc chừng 3-4 tiếng, cỏ dại xanh tốt đến mấy cũng cháy khô và chết. Sự tiện lợi, không tốn sức lao động, nên dù biết độc hại nên bà con vẫn sử dụng.

Cánh đồng Ba Lông đã bị phun thuốc trừ cỏ cháy để diệt cỏ trước khi vào vụ gieo trồng mới.

Cánh đồng Ba Lông đã bị phun thuốc trừ cỏ cháy để diệt cỏ trước khi vào vụ gieo trồng mới.

Thuốc trừ cỏ, nhất là trừ cỏ cháy vô cùng độc hại, nguy hiểm, song không ít người dân xã Thái Bình, Thắng Quân (Yên Sơn) vẫn sử dụng và coi đó như một giải pháp hữu hiệu nhất để diệt cỏ dại. Ông Trần Hồng Quảng, thôn Hoắc, xã Thái Bình (Yên Sơn) cho rằng, gia đình ông có hơn 1 ha vườn, về mùa mưa cỏ dại phát triển rất nhanh, phát dọn không xuể nên ông vẫn lựa chọn phun thuốc để diệt cỏ. Mỗi năm, gia đình ông Quảng phải sử dụng 2-3 lần phun thuốc để làm sạch cỏ vườn.

Việc mua bán thuốc trừ cỏ có chứa chất độc hại cũng rất dễ dàng. Tại các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp thuốc trừ cỏ không thiếu. Theo chủ một cửa hàng kinh doanh giống, vật tư nông, lâm nghiệp trên địa bàn xã Xuân Vân (Yên Sơn), các mặt hàng thuốc trừ cỏ khá phong phú từ thuốc trừ cỏ thông thường đến thuốc trừ cỏ cháy. Hiện nay thuốc trừ cỏ cháy vẫn bán chạy nhất, do tác dụng nhanh, hiệu quả rõ rệt.

Kiểm soát việc buôn bán, sử dụng thuốc trừ cỏ trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm cho nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, ngày 1-10-2018, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác quản lý việc sử dụng thuốc trừ cỏ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định 278/QĐ-BNN-BVTV, ngày 8-2-2017 và Quyết định 1186/QĐ-BNN-BVTV, ngày 10-4-2019 về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4 D và Paraquat, Glyphosate ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Hoạt chất 2.4D và Paraquat, Glyphosate gây ảnh hưởng rất lớn đến chức năng phổi, thận, tim. Người khi bị phơi nhiễm trực tiếp qua đường da, đường hô hấp trên hay đường miệng đều có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong mà không có thuốc giải độc.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản tỉnh cho biết, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức tác hại của thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất độc hại đối với sức khỏe cộng đồng. Từ đó vận động người dân ký cam kết thực hiện nghiêm quy định tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp. Đơn vị cũng thực hiện kiểm tra các cơ sở kinh doanh, nếu phát hiện thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất sẽ tịch thu và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/kiem-soat-viec-kinh-doanh-su-dung-thuoc-tru-co-chay-120954.html