Kiểm toán độc lập - nhận diện những kẽ hở trong quản lý, giám sát

Hoạt động kiểm toán độc lập (KTĐL) ngày càng khẳng định được vị trí trong nền kinh tế, được các doanh nghiệp, tổ chức và xã hội thừa nhận, góp phần lành mạnh hóa môi trường đầu tư, phát triển thị trường vốn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn doanh nghiệp kiểm toán (DNKT) có chất lượng dịch vụ chưa đạt yêu cầu, một số kiểm toán viên (KTV) chưa tuân thủ chuẩn mực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Quy mô dịch vụ KTĐL còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh minh họa

Quy mô dịch vụ KTĐL còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh minh họa

Thị trường và quy mô doanh nghiệp kiểm toán ngày càng mở rộng

Theo ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính), xuất phát từ lợi ích thiết yếu của hoạt động kiểm toán, trong 30 năm qua, Nhà nước rất quan tâm phát triển ngành KTĐL, tạo mọi điều kiện để KTĐL Việt Nam không ngừng phát triển, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội.

Năm 2023, quy mô về doanh nghiệp kiểm toán (DNKT) tăng, toàn thị trường có 14 DNKT mới, 5 tháng năm 2024 có thêm 2 DNKT. Số lượng KTV làm việc trong các DNKT năm 2023 tăng hơn 8% so với năm 2022, số lượng nhân viên chuyên nghiệp tăng hơn 7%. Số lượng khách hàng của toàn ngành tăng đáng kể, năm 2023 tăng 5% so với năm 2022, đặc biệt là nhóm khách hàng có sự tăng mạnh là công ty TNHH, đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội; doanh thu đạt hơn 8.446 tỷ đồng, tăng 0,36%.

Qua kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ kiểm toán, căn cứ theo Luật KTĐL, Bộ Tài chính thực hiện thường xuyên, liên tục góp phần ngăn ngừa, xử lý các sai phạm, nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán. Từ năm 2013 đến nay, đã có 114 KTV bị đình chỉ hành nghề kiểm toán do vi phạm chuẩn mực kiểm toán hoặc không có đủ số giờ cập nhật kiến thức hằng năm theo quy định, 3 DNKT bị đình chỉ kinh doanh do vi phạm chuẩn mực kiểm toán, 3 DNKT bị thu hồi giấy chứng nhận do không đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, có 67 DNKT và 8 KTV bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm.

Tính đến tháng 5/2024, Việt Nam có 221 doanh nghiệp kiểm toán, trong đó có 3 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, 9 công ty cổ phần đầu tư nước ngoài và 209 công ty có 100% vốn trong nước.

5 tháng đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 DNKT và 1 KTV. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ kiểm toán 9 DNKT, kết quả: 2 công ty xếp loại đạt yêu cầu, 6 công ty không đạt yêu cầu và 1 công ty yếu kém. Trong tổng số 62 hồ sơ kiểm toán được kiểm tra, có 16 hồ sơ xếp loại đạt yêu cầu, 26 hồ sơ không đạt yêu cầu và 20 hồ sơ yếu kém, có sai sót nghiêm trọng. Qua đó, Bộ Tài chính đã có quyết định đình chỉ có thời hạn đối với 17 KTV vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán.

Các quy định bộc lộ kẽ hở, chưa đủ tính răn đe

Ông Phạm Sỹ Danh - Chủ tịch VACPA - cho rằng, quy mô dịch vụ KTĐL còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; số lượng và chất lượng kiểm toán viên chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập; chất lượng dịch vụ kiểm toán đã từng bước được nâng cao nhưng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, Luật KTĐL và các văn bản hướng dẫn đã có độ trễ so với thực tế, bộc lộ bất cập, chưa thật sự phù hợp thông lệ quốc tế về tổ chức quản lý và kỹ thuật nghiệp vụ. Các quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng KTV và chất lượng dịch vụ kiểm toán chưa thật sự hiệu quả; các chế tài chưa đủ mạnh, đầy đủ và hiệu lực cho các hoạt động nghề nghiệp, việc xử lý vi phạm, xử lý vi phạm hành chính chưa đảm bảo tính răn đe. Quy trình xem xét, xử lý các vi phạm của DNKT, KTV vẫn còn một số hạn chế do các quy định pháp luật khác chưa thực sự đồng bộ.

Bên cạnh đó, công tác quản lý hành nghề kiểm toán phát sinh nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ kiểm toán. Quy định hiện nay của Luật KTĐL chưa có quy định về việc phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ quan thuế trong việc chủ động được truy cập để tra cứu, khai thác thông tin trong quá trình thẩm định, xử lý hồ sơ khi xác định KTV có làm việc toàn thời gian ở DNKT hay còn làm việc ở các đơn vị khác cùng thời gian làm việc tại DNKT.

Quy định chế tài xử lý vi phạm về KTĐL có nhiều bất cập, có trường hợp không thực hiện được, nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế cũng như thông lệ quốc tế. Mức xử phạt còn thấp so với quốc tế, chưa đủ tính răn đe (mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức); thời hiệu xử phạt 1 năm nên hầu hết các trường hợp khi phát hiện hành vi vi phạm thì đã hết thời hiệu, không xử phạt được. Hiện nay, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán chưa được giao quyền hạn xử lý vi phạm về kế toán, kiểm toán, việc xử lý vi phạm được thực hiện thông qua các quyết định của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính. Quy trình này trong một số trường hợp đã làm giảm tính kịp thời và trách nhiệm trong việc phát hiện, lập biên bản và xử lý vi phạm...

Theo ông Vũ Đức Chính, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động KTĐL trong thời gian tới, hoạt động kiểm toán phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Bộ Tài chính sẽ rà soát quy định về thể chế, từ đó nghiên cứu sửa Luật KTĐL; đồng thời, cập nhật, ban hành bố sung các chuẩn mực kiểm toán; tăng cường thanh tra, kiểm tra./.

LY HƯỜNG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kiem-toan-doc-lap-nhan-dien-nhung-ke-ho-trong-quan-ly-giam-sat-35400.html