Kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực ở trường phổ thông chưa đồng bộ
Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã cận kề. Điểm nổi bật của chương trình là việc kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng tiếp cận năng lực. Từ năm 2013 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc này nhưng vẫn chưa được đồng bộ.
Giáo viên vẫn theo phương pháp truyền thống
Thời gian gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) liên tiếp tổ chức các đợt tập huấn giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, những năm trước, phương pháp và hình thức dạy học trong nhà trường phổ thông còn nặng về lý thuyết, ít thực hành thực nghiệm; việc dạy học theo lối truyền thụ kiến thức một chiều “thầy giảng, trò chép” phần nào mang tính áp đặt, ít khơi dậy cá tính, sự sáng tạo và khả năng tự học của học sinh... Công tác kiểm tra đánh giá còn nặng về định kỳ và đánh giá sự ghi nhớ kiến thức của học sinh. Việc đánh giá quá trình và đánh giá học sinh vận dụng kiến thức học được vào giải quyết vấn đề của thực tế cuộc sống chưa được quan tâm đúng mức.
TS Vũ Đình Chuẩn cho biết, tham gia dự giờ ở địa phương xảy ra tình trạng dù giáo viên áp dụng phương pháp mới nhưng lại lạm dụng và quá máy móc.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định quyết tâm của Bộ GD&ĐT trong việc thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện thành công này, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ Bộ GD&ĐT đến các địa phương, nhà trường và mỗi giáo viên, học sinh.
Thực tế, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá từ năm 2013 đến nay Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện. Cụ thể, công văn số 3535 (năm 2013) Hướng dẫn triển khai thực hiện phương pháp “Bàn tay nặn bột” và các phương pháp dạy học tích cực khác; công văn 791 (năm 2013) Hướng dẫn thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông; công văn 5555 (năm 2015) Hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn của trường trung học…
Các mô hình giáo dục tích cực như “Trường học mới”, “Dạy học Mỹ thuật theo phương pháp của Đan Mạch”, “Dạy học gắn với sản xuất - kinh doanh - dịch vụ và bảo vệ môi trường tại địa phương”… cũng được Bộ GD&ĐT cho thí điểm triển khai.
Song song với đó, Bộ tăng cường chỉ đạo hướng dẫn dạy học vận dụng kiến thức chuyên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn thông qua “Dạy học dựa trên dự án”, tổ chức các “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo”. Hoặc mới đây là hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018. Đây là bước tổng kết những đổi mới trước đó để triển khai đồng bộ ở các địa phương, vừa là sự chuẩn bị để giáo viên, các nhà trường từng bước làm quen, tiệm cận với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng đây là những văn bản, hướng dẫn để nhà trường, giáo viên, học sinh từng bước làm quen với việc kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực. Nhưng việc triển khai thực hiện ở các nơi chưa đồng bộ, có trường/địa phương làm tốt, có nơi còn chậm trễ. Nguyên nhân được các nhà quản lý giáo dục chỉ ra cả từ phía chủ quan của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp và khách quan do điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế thiếu tự chủ cho các nhà trường… Giải quyết đồng bộ những nguyên nhân này sẽ là giải pháp quan trọng để tới đây triển khai đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phương pháp mới là chìa khóa hạnh phúc của học sinh, thầy cô
Bộ GD&ĐT khẳng định, thực tế có những trường học đã triển khai các chỉ đạo trong việc kiểm tra đánh giá khá thành công và có tác động tích cực đến giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội có 6 năm kinh nghiệm triển khai đề án xây dựng trường theo mô hình phát triển năng lực học sinh cho biết: Công văn 791 của Bộ GD&ĐT (năm 2013) cho thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông, đã giúp nhà trường chủ động, sáng tạo thực hiện nhiều vấn đề về chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục và tạo dựng được “thương hiệu”, dấu ấn riêng.
Tại trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành giáo viên được xây dựng chương trình nhà trường, chương trình môn học thành các chủ đề dạy học. Từ mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho người học, giáo viên sẽ tinh gọn và tổ chức lại các nội dung dạy học theo hướng liên thông, phối hợp liên môn. Giáo viên cũng linh hoạt, sáng tạo áp dụng các phương thức, hình thức dạy học và hoạt động giáo dục theo hướng tăng cường sự tham gia của học sinh vào quá trình học, tăng năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn.
Cô Nguyễn Thu Anh cho biết: “Để dạy nội dung là quần áo trong môn Công nghệ lớp 6, giáo viên chúng tôi đã đưa học sinh đến trường nghề để trực tiếp tìm hiểu các bước thực hiện, các yêu cầu trong việc là quần áo. Bài kiểm tra là các em sẽ là quần áo cho bố mẹ mình và quay Video ghi lại quá trình thực hiện đó. Xem Video sản phẩm học sinh gửi về, chúng tôi thấy niềm vui ở các em, niềm hạnh phúc của bố mẹ học trò”.
Cô Nguyễn Thu Anh khẳng định: Với cách dạy này đã giúp cán bộ, giáo viên trong trường/tổ chuyên môn gắn kết hơn khi cùng nhau xây dựng, chia sẻ và thực hiện kế hoạch giáo dục. Các thầy cô cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Đặc biệt, sự đổi mới làm học sinh thấy hạnh phúc khi được phát triển năng lực phẩm chất theo đúng khuynh hướng của bản thân, thấy mình có giá trị. Ví dụ, một học sinh có thể không thích môn ngữ văn nhưng trong tiết học em vẫn hứng thú vì có cơ hội phát huy năng khiếu, sở thích vẽ của bản thân, khi giúp giáo viên minh họa lại chân dung nhân vật trong tác phẩm văn học.
Đồng tình với điều này, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, Hà Nội cho biết: Ưu điểm lớn nhất của đổi mới phương pháp và hình thức dạy học trong trường phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học là giúp học sinh được tham gia nhiều hơn vào quá trình học tập, tự tìm hiểu, khai thác kiến thức, từ đó hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực.
“Với phương pháp mới, giáo viên được rèn luyện nâng cao năng lực nghề nghiệp, khẳng định năng lực của bản thân; các trường đổi mới tạo không khí làm việc năng động, sáng tạo; ban giám hiệu được nâng cao năng lực tư duy về xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục, có khả năng đánh giá chính xác hơn chất lượng đội ngũ để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực”, Cô Nguyễn Thị Nhiếp nói.
Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cốt cán về triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đã hoàn tất, tới đây Bộ tiếp tục chỉ đạo và giám sát chặt chẽ việc bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đại trà các cấp; tập huấn tiếp các nội dung chuyên sâu để thầy cô, các nhà trường thực hiện tốt yêu cầu của chương trình.