Kiểm tra tiến độ, tìm mỏ vật liệu thi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Ngày 13/4, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đã có buổi làm việc với các địa phương về mỏ vật liệu phục vụ thi công.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có quy mô chiều dài 112,8 km đi qua địa bàn của 03 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Theo hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án thành phần 2.1, 2.2, 2.3 và dự án thành phần 3, nhu cầu vật liệu toàn dự án trên địa bàn 03 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh là rất lớn, ước khoảng gần 35 triệu m3 đất đắp bao, cát xử lý nền đất yếu, cát xây dựng, đá để đổ bê tông, chất thải, đất đổ đi và chất thải rắn cần xử lý.
Tại hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ quan tâm tạo điều kiện để triển khai, đồng thời cũng đòi hỏi rất cao về tiến độ thực hiện. Trong đó, mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Ban chỉ đạo đang phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước để phục vụ khởi công dự án ngày 30/6 tới đây. Dự án sau khi hoàn thành sẽ là “đòn bẩy” cho sự phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội, tạo tiền đề để thành phố Hà Nội và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo, nhu cầu sử dụng vật liệu của Dự án là rất lớn. Trong đó, đất đắp K98, K95, đắp bao ước cần khoảng 12 triệu m3; cát đắp K95, cát xử lý nền đất yếu khoảng 10,4 triệu m3; cát xây dựng khoảng 3,4 triệu m3; đá khoảng 7,5 triệu m3; vật liệu đổ đi khoảng 4,7 triệu m3…
Qua khảo sát tình hình thực tế, hiện nay các mỏ vật liệu để phục vụ thi công dự án nằm trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố. Tổng số mỏ đã khảo sát phục vụ thi công dự án là 102 mỏ. Trong đó, đối với mỏ đất đắp phục vụ thi công dự án, đến thời điểm hiện nay, đơn vị tư vấn đã khảo sát tổng cộng 31 mỏ đất đắp trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố với tổng trữ lượng khoảng 114 triệu mét khối (thực tế nhu cầu sử dụng khoảng trên 12 triệu mét khối đất đắp K98, K95). Tuy nhiên, qua điều tra các mỏ có thể khai thác có khoảng cách khá xa so với vị trí thi công dự án.
Là một địa phương thành phần của dự án, phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng yên đề nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp tục xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh Hưng Yên được phép phê duyệt dự án thành phần theo tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần trước khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được thực hiện sau. Số kinh phí giải phóng mặt bằng vượt so với số kinh phí nêu trong Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội thì cho phép tỉnh sử dụng nguồn lực hợp pháp để thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần sớm thông tin ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở dự án thành phần 2.2 và gửi tỉnh Hưng Yên trước ngày 15/4/2023 để làm căn cứ phê duyệt dự án thành phần 2.2 (đường song hành). Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần 2.2; 1.2 để tỉnh có cơ sở phê duyệt dự án.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn, thủ tục đầu tư, bảo đảm nguồn cung vật liệu phục vụ cho việc thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.
UBND Hà Nội đề nghị UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh thống nhất về việc san lấp, đắp tận dụng đất đào nền, đào khuôn đường vào vị trí nút giao, giải phân cách giữa đường cao tốc, phần đất thu hồi 30m dự trữ đường sắt và phần hè của đường song hành để san phẳng tạo mặt bằng thi công hè giai đoạn hoàn thiện. Đồng thời, giao UBND các huyện khảo sát có các vị trí tập kết đất đào thực hiện kiểm tra, thống nhất để đưa vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng của Dự án…
Kết luận hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh thống nhất về việc san lấp, đắp tận dụng đất đào nền, đào khuôn đường vào vị trí nút giao, giải phân cách giữa đường cao tốc, phần đất thu hồi 30m dự trữ đường sắt và phần hè của đường song hành để san phẳng tạo mặt bằng thi công hè giai đoạn hoàn thiện. Quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.