Kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023

6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,56%, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và xếp thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét do thế giới vẫn tồn tại các yếu tố rủi ro tiềm ẩn, khó dự báo thì việc đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 7,5% là một thách thức lớn đòi hỏi cần nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu). Ảnh: Anh Tuấn

Lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu). Ảnh: Anh Tuấn

Bức tranh kinh tế đa màu

Theo đánh giá của UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 trong nước và khu vực đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cạnh tranh ngày càng gay gắt, lạm phát tăng cao... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình đó, bám sát sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, cùng với việc quán triệt thực hiện Chủ đề công tác năm 2023 "Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất", UBND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết phát huy dân chủ, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm; cùng với sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của các cấp, các ngành, sự đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, tình hình phát triển kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 25.081,5 tỷ đồng, tăng 7,56% so với cùng kỳ năm trước. Nổi bật trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm là hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động và đạt được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống; giá trị GRDP ngành dịch vụ đạt 9.587 tỷ đồng, tăng 15,72% so với cùng kỳ, đóng góp lớn nhất 5,59 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP của toàn nền kinh tế.

Đóng góp lớn nhất trong khu vực này là du lịch tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh mẽ, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao là điều kiện quan trọng thúc đẩy tăng trưởng đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ, đồng thời lan tỏa đến các ngành kinh tế khác. Trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đón 4,53 triệu lượt khách, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, đạt 84,7% kế hoạch; doanh thu đạt trên 3.846 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 74,7% kế hoạch năm.

Thêm một gam màu sáng trong bức tranh kinh tế đó là sự đóng góp của khu vực nông - lâm - thủy sản đạt 2.531,4 tỷ đồng, tăng 2,38%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP của toàn nền kinh tế đáp ứng nhu cầu của người dân và nguyên liệu cho dịch vụ và sản xuất công nghiệp chế biến. Mặc dù trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức, song ngành Nông nghiệp đã tập trung nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành, qua đó đã đưa ngành Nông nghiệp trở thành kinh tế mang tính chất trụ đỡ trong cơ cấu kinh tế.

Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Năm 2023 là điểm rơi của đầu tư công trung hạn và giải ngân thực hiện gói đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất, kích cầu nền kinh tế. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến ngày 27/6, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân trên địa bàn tỉnh đạt 2.237,97 tỷ đồng, bằng 27,21% kế hoạch vốn. Mặc dù việc giải ngân vốn đầu tư công chưa cải thiện đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng chắc chắn sẽ là một động lực tăng trưởng lớn trong các quý tiếp theo.

Bên cạnh đó, bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn chứa đựng những gam màu trầm. Trong đó, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID - 19 và tác động của cuộc xung đột Nga - Ucraina, đặc biệt một số doanh nghiệp công nghiệp trọng điểm của tỉnh như: Công ty ô tô Huyndai Thành Công gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ do lạm phát tăng cao, suy thoái kinh tế, sức mua trên thị trường giảm sút, nhất là mặt hàng ô tô giảm khoảng 40% so với cùng kỳ; các doanh nghiệp sản xuất xi măng, đạm, phân bón, kính nổi gặp nhiều khó khăn do giá vật tư, nguyên liệu tăng cao; đa số các công ty may mặc, giầy dép, linh kiện điện tử trong KCN, CCN là doanh nghiệp gia công, đơn hàng chủ yếu phụ thuộc vào khách hàng cố định, khó tìm kiếm khách hàng mới… Do vậy, sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của tỉnh tăng thấp, GRDP ngành công nghiệp tăng 1,34% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, thách thức do áp lực lạm phát từ nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên từ cuối năm 2022 rất nhiều đơn hàng bị cắt giảm, hoãn hủy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không ký được đơn hàng mới. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 1.530 triệu USD, giảm 3,3% so với cùng kỳ, đạt 47,1% kế hoạch năm.

Sản xuất tại Công ty Ever Great International (Cụm công nghiệp Gia Vân, Gia Viễn). Ảnh: Anh Tuấn

Kiên định mục tiêu tăng trưởng

Phân tích, đánh giá về nguyên nhân dẫn đến giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm có mức tăng trưởng không cao, đồng chí Dương Đức Đằng, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ suy thoái kinh tế, sức ép lạm phát làm tăng trưởng có xu hướng chậm lại, giá nguyên vật liệu tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, thị trường tiêu thụ thu hẹp… là những nguyên nhân chính ảnh hưởng lớn đến phát triển công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên đây là khu vực kinh tế chiếm tới 33,1% tổng giá trị tăng thêm GRDP của tỉnh. Do vậy, cần có thêm những "lực đẩy" tích cực để phục hồi, phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.

Mặc dù dự báo tình hình kinh tế tiếp tục đối mặt với khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, qua phân tích đánh giá của các ngành đều kỳ vọng vào sự thay đổi tích cực hơn khi tình hình thế giới chuyển biến. Một số yếu tố thuận lợi, hỗ trợ cho tăng trưởng của quý III và cả năm như: Những khó khăn, thách thức lớn hiện nay cơ bản đã được xác định; doanh nghiệp đã chủ động thích ứng, có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã được ban hành, bước đầu đi vào cuộc sống; lạm phát đang được kiểm soát; mặt bằng lãi suất cho vay giảm, chính sách giảm thuế GTGT sau khi được Quốc hội thông qua sẽ phát huy hiệu quả; nhiều dự án quy mô lớn, quan trọng đã hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục kiên định mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt mục tiêu đề ra là 7,5%, quyết tâm đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đề ra tại Nghị quyết số 78/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh.

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm theo kế hoạch đặt ra, đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp. Theo đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; nắm bắt tình hình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu; tăng cường phát triển các ngành dịch vụ, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của tình từ nay đến cuối năm.

Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh, có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, như: Nhà máy ô tô của Công ty Hyundai Thành Công, Nhà máy sản xuất camera modul của Công ty TNHH Mcnex Vina, Nhà máy kính CFG của công ty TNHH công nghiệp Hạ Long... Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn góp phần tạo ra các sản phẩm công nghiệp mới có giá trị tăng thêm, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách; sớm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thu hút một số dự án, lĩnh vực, khu vực quan trọng có tính chiến lược.

Để công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là động lực để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với ngành Nông nghiệp cần tăng cường dự báo, giám sát và chủ động các biện pháp kiểm soát, phòng trừ dịch bệnh trong trồng trọt và chăn nuôi, nhất là kiểm soát, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, không để tái phát kéo dài, tạo sự ổn định cho việc tái đàn. Đôn đốc các huyện, thành phố và các xã đẩy mạnh công tác xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo kế hoạch, đảm bảo tiến độ và phù hợp với nguồn lực cụ thể.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/kien-dinh-muc-tieu-tang-truong-kinh-te-nam-2023/d2023072114365912.htm