Kiên định niềm tin

Liên tiếp các vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử với nhiều quan chức, cựu quan chức 'nhúng chàm', vướng vòng lao lý. Danh sách cán bộ, đảng viên, thậm chí những người giữ chức vụ cao trong các cơ quan Trung ương, người đứng đầu các địa phương bị truy tố trước pháp luật; phải viết đơn xin từ chức ngày càng nhiều. Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do cả hệ thống chính trị Việt Nam chung sức đồng lòng với quyết tâm cao đã và đang đạt những kết quả to lớn, làm nức lòng nhân dân...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp. Phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày16/8/2023).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp. Phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày16/8/2023).

Mở đầu cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Vì sao chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh có một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm và làm “chậm” sự phát triển của đất nước. Trong khi thực tiễn cho thấy hoàn toàn ngược lại. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân. Chúng ta cần thống nhất quan điểm: Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”.

Nhiều năm qua, những thành quả trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng - an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại của Việt Nam luôn là mục tiêu xuyên tạc, nói xấu của các thế lực phản động, chống phá ở hải ngoại cùng một số cá nhân mang Quốc tịch Việt Nam nhưng mụ mị đầu óc vì “bả dân chủ”, ảo tưởng chống đối, lật đổ chế độ để trục lợi, thỏa mãn mưu đồ chính trị thấp hèn. Lợi dụng việc cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn quyết liệt, “lò đốt” đang rực lửa với hàng loạt đại án tham nhũng, ngày càng nhiều cán bộ, đảng viên có chức vụ cao vướng vòng lao lý, các thế lực phản động, thù địch liên tục lu loa trên các trang mạng xã hội rằng “Tham nhũng, tiêu cực gắn liền với chế độ một đảng, với Chủ nghĩa xã hội”; “Tham nhũng có nguyên nhân, nguồn gốc từ Đảng Cộng sản”; “Đảng Cộng sản dùng việc chống tham nhũng để thanh trừng, đấu đá nội bộ; tranh giành quyền lực giữa các phe phái...”.

Người có tư duy, nhận thức bình thường đều hiểu rằng, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Chính vì tham nhũng, tiêu cực là tệ nạn chung, nên tháng 12/2003, đại diện hơn 120 nước trên thế giới đã họp tại Mexico để thông qua Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc. Đến nay, hơn 110 nước, trong đó có Việt Nam, đã ký Công ước này. Liên hợp quốc còn thống nhất lấy ngày 9/12 hằng năm làm Ngày Quốc tế chống tham nhũng. Do đó, không thể hý lộng đánh đồng tham nhũng, tiêu cực với chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hay đổ lỗi cho Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò cầm quyền duy nhất mà làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Trên thực tế, đất nước ta đang trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa nên không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót và tham nhũng cũng là một trong những hạn chế, thiếu sót đó.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức sâu sắc về tệ nạn tham nhũng và nguy cơ, coi tham nhũng là một trong những “kẻ thù hung ác”, là “nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”, từ đó sớm đề ra các chủ trương, đường lối nhằm huy động cả hệ thống chính trị từ trung ương xuống cơ sở vào cuộc, quyết tâm từng bước đẩy lùi tệ nạn này.

Kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển vững chắc. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm 2024, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6%. Ảnh: dangcongsan.vn

Kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển vững chắc. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm 2024, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6%. Ảnh: dangcongsan.vn

Hơn 10 năm qua, kể từ khi Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban Chỉ đạo, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược. “Lò đốt” tham nhũng luôn rực lửa với phương châm nhất quán “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” đã và đang được thực hiện nghiêm. Tinh thần thượng tôn pháp luật ngày càng được củng cố vững chắc trong xã hội. Khái niệm “hạ cánh an toàn” trước gần như mặc định đối với những cán bộ về hưu, nhưng nay, chỉ có những người thực sự trong sạch mới có thể yên tâm thanh thản nghỉ ngơi...

“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Trải qua gần tám thập niên từ ngày giành được độc lập trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong điều kiện đất nước liên tục bị các thế lực ngoại bang xâm lăng, bao vây cấm vận, Việt Nam vẫn vươn lên mạnh mẽ. Đặc biệt là trong gần bốn thập niên thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi sướng và lãnh đạo, Việt Nam đã có những bước tiến ngoạn mục, được bè bạn quốc tế ngưỡng mộ, đánh giá cao. Những năm gần đây, trong khi thế giới đầy biến động khó lường, Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn diện với quy mô nền kinh tế hiện đạt hơn 430 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người tương đương với 4.300 USD/năm; là đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2023, đạt gần 700 tỷ USD... Để có được thành tựu đáng tự hào này, nguyên nhân chính, chủ yếu là do chúng ta giữ gìn xây dựng được Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Và để có được điều này, không thể không quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên tinh thần “trị bệnh cứu người”.

Dẫu còn nhiều khó khăn, trở ngại, cuộc chiến phòng, chống “giặc nội xâm” tham nhũng, tiêu cực ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã và đang là một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược; sẽ ngày càng đi vào chiều sâu; đã quyết liệt càng quyết liệt hơn, không ngừng, không nghỉ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định.

Vững niềm tin với Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân càng thêm thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân, chung tay góp sức ủng hộ quyết tâm chính trị của Đảng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Trong đó, mỗi người cần nêu cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện âm mưu, thủ đoạn, kịp thời phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị về cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng lãnh đạo. Niềm tin tuyệt đối, sự ủng hộ, đồng tâm góp sức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân sẽ là nguồn sức mạnh vô địch, điểm tựa vững chắc để cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta ngày càng thắng lợi, thiết thực góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn.

Trung Tín

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kien-dinh-niem-tin-211203.htm