Kiên Giang cần tổ chức quy hoạch lại nghề khai thác thủy sản

Tại hội thảo khoa học hiện trạng và giải pháp phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản gắn với công tác khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, có ý kiến cho rằng, để phát triển bền vững nghề cá, tỉnh Kiên Giang cần tổ chức quy hoạch lại nghề khai thác thủy sản để khắc phục được những tồn tại, hạn chế; gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, tạo việc làm ổn định cho cộng đồng ngư dân ven biển.

Chiều 4-10, Hội Thủy sản tỉnh Kiên Giang phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo khoa học hiện trạng và giải pháp phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản gắn với công tác khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc Hồ Kim Liên phát biểu tại hội thảo.

Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc Hồ Kim Liên phát biểu tại hội thảo.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, nghề khai thác thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Tàu, thuyền phát triển tự phát không theo quy hoạch dẫn đến mất cân bằng về nghề trên các ngư trường; cường lực khai thác lớn, khai thác quá mức vượt sản lượng cho phép; việc chuyển đổi nghề trong khai thác thủy sản còn chậm; hiệu quả đánh bắt của mỗi chuyến biển thấp, ngày càng giảm dẫn đến thu nhập của ngư dân giảm.

Nhất là, tình trạng tàu cá vi phạm các quy định về IUU vẫn thường xuyên xảy ra mặc dù tỉnh Kiên Giang đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các khuyến nghị của EC, tăng cường công tác quản lý đội tàu, tuần tra kiểm soát, xử lý các vụ việc vi phạm.

Tiến sĩ Vũ Việt Hà - Viện Nghiên cứu hải sản cho biết, theo số liệu điều tra nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang do Viện Nghiên cứu hải sản thực hiện, hoạt động khai thác thủy sản đã vượt ngưỡng khai thác cho phép.

Để phát triển bền vững nghề cá, tỉnh Kiên Giang cần tổ chức quy hoạch lại nghề khai thác thủy sản để khắc phục được những tồn tại, hạn chế; gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, tạo việc làm ổn định cho cộng đồng ngư dân ven biển. Thực hiện giảm sản lượng khai thác thủy sản, tăng nuôi trồng thủy sản để bù đắp sản lượng, đồng thời tăng cường công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Cơ cấu sắp xếp lại đội tàu khai thác theo hướng giảm về số lượng, tập trung giảm tàu có công suất nhỏ khai thác ở vùng biển ven bờ vùng lộng; chuyển một số nghề đánh bắt hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái sang nghề đánh bắt thân thiện với môi trường; không cho đóng mới tàu cá và không cho phát triển thêm tàu cá làm nghề lưới kéo.

Đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ để giảm tổn thất sau thu hoạch. Chuyển đổi nghề khai thác hải sản sang nghề ngoài khai thác hải sản và nghề khai thác hải sản khác ít ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao phát biểu kết luận tại hội thảo.

Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao phát biểu kết luận tại hội thảo.

Chủ tịch Hội Nghề cá TP. Rạch Giá Trương Văn Ngữ cho biết, trong bối cảnh, tình hình đánh bắt thủy sản của ngư dân đang gặp khó, ngư trường cạn kiệt, giải pháp trước mắt, Hội Nghề cá TP. Rạch Giá kiến nghị các ngành chức năng tỉnh tổ chức sắp xếp lại đội tàu, đảm bảo cân bằng giữa cường lực khai thác và trữ lượng nguồn lợi thủy sản; tăng cường giám sát việc khai thác vùng lộng và vùng bờ; sớm hiện thực hóa cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề khai thác, để ngư dân ổn định sinh kế.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao kêu gọi ngư dân cùng đồng hành với tỉnh, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác IUU, hướng tới tháo gỡ thẻ vàng EC…

Tin và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/kien-giang-can-to-chuc-quy-hoach-lai-nghe-khai-thac-thuy-san-22610.html