Kiến nghị cơ sở khám, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm thuốc

Cơ sở khám, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Chiều 6-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Thách thức lớn cho công tác đấu thầu mua sắm thuốc

Điều 55 của Luật Đấu thầu năm 2023 quy định về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, trong khoản 2 quy định: “Đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở y tế tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình”.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn thành phố Hà Nội) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Quan tâm đến quy định này, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, cơ sở bán lẻ thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh là cơ sở cung cấp thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các hàng hóa thiết yếu khác trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo quy định, nhà thuốc bệnh viện do Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động. Về giá thuốc mua vào, Nghị định 155 của Chính phủ quy định nhà thuốc bệnh viện mua thuốc không cao hơn giá trúng thầu của thuốc đó tại cùng thời điểm, hoặc không cao hơn giá trúng thầu tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong vòng 12 tháng.

Về giá thuốc bán ra, Nghị định 54 của Chính phủ quy định thặng số bán lẻ tối đa của tất cả các thuốc tại nhà thuốc bệnh viện. Do các đặc thù nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh, không dự trù trước được về danh mục, số lượng, mô hình bệnh tật cũng liên tục thay đổi nên rất khó để xây dựng được kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

“Thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải mua bên ngoài, vừa bất tiện, vừa khó kiểm soát được chất lượng và giá cả, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất”, đại biểu Nhị Hà nêu thực tế.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại hội trường chiều 6-11. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại hội trường chiều 6-11. Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu, quy định tại khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 55 của Luật Đấu thầu đã gây ra không ít lúng túng cho các bệnh viện do việc mua thuốc của nhà thuốc bệnh viện cũng sử dụng nguồn thu hợp pháp. Theo khoản 1 Điều 2, tất cả hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị đều phải áp dụng luật đấu thầu, trong khi quy định tại khoản 2 Điều 55 cho phép cơ sở được tự quyết định việc mua sắm.

Theo đại biểu, khi triển khai thực tế đã có rất nhiều sở y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh gửi công văn tới Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phản ánh khó khăn, bất cập, đề nghị hướng dẫn nội dung này. Thực trạng hiện nay, các nhà thuốc bệnh viện thiếu rất nhiều các loại thuốc, thiết bị y tế để phục vụ cho nhu cầu của bệnh nhân.

Từ phân tích trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị, sửa khoản 2 Điều 55 như sau: “Đối với việc mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu khác tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh công lập thì cơ sở khám, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.”

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại hội trường chiều 6-11. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại hội trường chiều 6-11. Ảnh: quochoi.vn

Để bảo đảm tính logic giữa các điều khoản luật, đại biểu kiến nghị sửa khoản 1 Điều 2, như sau: Hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật này).

“Mặc dù một trong những nguyên tắc đấu thầu là bảo đảm hiệu quả kinh tế, nhưng việc các cơ sở tư nhân sử dụng hình thức mua sắm thông thường lại mua được một số thiết bị y tế với giá rẻ hơn so với cơ sở công lập. Câu hỏi tại sao lại như vậy vẫn chưa có câu trả lời dứt điểm và vẫn như một lời thách thức lớn cho công tác đấu thầu”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu.

Vì thế, đại biểu đề xuất bổ sung quy định trong Luật Đấu thầu yêu cầu không chỉ các cơ sở công lập mà cả các cơ sở y tế tư nhân cũng thực hiện đăng tải thông tin về kết quả mua sắm. Đây cũng là cơ sở dữ liệu quan trọng có giá trị trong việc quản lý và tham chiếu, tạo sự minh bạch và hạn chế các tiêu cực trong đấu thầu, bảo đảm đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, việc sửa đổi quy định về áp dụng mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc như dự thảo Luật là chưa thể tháo gỡ được khó khăn đối với việc mua sắm nói chung tại các cơ sở y tế công lập, trong đó có việc mua thuốc cho các cơ sở bán lẻ thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện.

Theo đại biểu, nhà thuốc bệnh viện hoạt động theo hình thức kinh doanh có đóng thuế nên việc hàng hóa được bán tại đây bao gồm cả chi phí tổ chức đấu thầu, các loại thuế, phí của cơ sở kinh doanh đều được tính vào giá thành sản phẩm và người dân phải chịu khi tăng giá.

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị sửa lại khoản 3 Điều 55 của Luật Đấu thầu 2023 như sau: “Đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, mua hàng hóa để bán lẻ bao gồm cả mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc nằm trong cơ sở khám, chữa bệnh công lập, cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở y tế tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình”.

Nghiên cứu có chính sách ưu đãi đầu tư theo ngành, lĩnh vực

Đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đánh giá cao việc cần thiết “một luật sửa 4 luật” trong kỳ họp này, đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định) quan tâm đến việc phân cấp thêm cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng.

Đại biểu Khương Thị Mai đề nghị, Chính phủ nghiên cứu có chính sách ưu đãi đầu tư theo ngành, lĩnh vực và các địa bàn khó khăn hoặc các dự án công nghệ cao, quy mô lớn tại các địa phương. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục rà soát Luật Đầu tư để phù hợp với các luật chuyên ngành khác, ví dụ như nội dung liên quan đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép các dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) cho biết, Luật Quy hoạch hiện hành không quy định về việc điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong lần sửa đổi này, Chính phủ đề nghị bổ sung Điều 54a quy định về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, theo đó các bước điều chỉnh quy hoạch sẽ được rút ngắn, lược bỏ một số công đoạn. Đồng thời, căn cứ để điều chỉnh theo thủ tục rút gọn cũng được quy định chặt chẽ, tránh lạm dụng.

"Tuy nhiên, trong Luật Quy hoạch hiện hành có Điều 53 quy định về căn cứ điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục thông thường; nhưng Điều 53 lại không được Chính phủ đưa ra sửa đổi, dẫn đến không có sự thống nhất giữa Điều 54a và Điều 53”, đại biểu nêu dẫn chứng.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại hội trường chiều 6-11. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại hội trường chiều 6-11. Ảnh: quochoi.vn

Để bảo đảm tính thống nhất, đại biểu đề nghị sửa Điều 53 theo hướng bổ sung những căn cứ điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn tại Điều 54a vào trong Điều 53. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, cân nhắc bổ sung thêm các trường hợp khác đã được quy định tại Điều 53 có thể điều chỉnh theo thủ tục rút gọn ví dụ, như: Do yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; do có sự điều chỉnh của quy hoạch cao hơn làm thay đổi nội dung quy hoạch…

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kien-nghi-co-so-kham-chua-benh-duoc-tu-quyet-dinh-viec-mua-sam-thuoc-683669.html