Kiến nghị giải pháp gỡ khó cho các dự án giao thông trọng điểm

Tại buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ và đại diện các doanh nghiệp bàn thảo các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thi công công trình trọng điểm quốc gia mới đây, Tập đoàn Đèo Cả đã có một số kiến nghị cụ thể nhằm thúc đẩy dự án trọng điểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia.

Theo đó, đối với các dự án có quy mô lớn, doanh nghiệp đề xuất ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước có năng lực quản trị, đã có những sản phẩm cụ thể tổ chức dẫn dắt, kết nối, đào tạo cho các doanh nghiệp khác và ưu tiên đối với các doanh nghiệp địa phương nơi có dự án đi qua.

Củng cố niềm tin cho dự án PPP

Theo đó, đối với dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, kể từ khi khởi công ngày 1/1/2024 đến nay, liên danh nhà đầu tư, nhà thầu đã ứng gần 350 tỷ đồng để tổ chức thi công và hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, vốn ngân sách nhà nước đã giải ngân 300 tỷ đồng trên tổng số 6.580 tỷ đồng.

Doanh nghiệp dự án đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng VPBank nhưng chưa thể giải ngân do dự án chưa được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư khi tăng vốn ngân sách nhà nước lên 68,76% tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội.

Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp quyết liệt, có kế hoạch và hướng dẫn cụ thể để dự án sớm hoàn thành thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Phối cảnh dự án đường cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng.

Phối cảnh dự án đường cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng.

Còn tại dự án đường cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, hợp đồng BOT chỉ áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu tăng, không có cơ chế chia sẻ doanh thu giảm. Điều này gây ra tình trạng bất bình đẳng trong quan hệ hợp tác đối tác công-tư (PPP).

Mặt khác, vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án được đề xuất hơn 50% tổng mức đầu tư, nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã phải điều chỉnh giảm để bảo đảm tỷ lệ theo quy định. Trong khi các dự án đường cao tốc bắc-nam (giai đoạn 1) thực hiện đầu theo phương thức PPP đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước từ 53% đến 64% tổng mức đầu tư, nhưng việc tìm kiếm Nhà đầu tư và các ngân hàng cấp tín dụng rất khó khăn.

Đồng thời, dự án kết nối đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn hiện đang bị đình trệ gần 5 năm, vốn ngân sách nhà nước tham gia 0%, quá trình khai thác, lưu lượng phương tiện thấp hơn nhiều so dự báo ban đầu do các nguyên nhân khách quan không phải do nhà đầu tư gây ra như: bỏ đi 1 trạm thu phí trên Quốc lộ 1, miễn giảm giá vé diện rộng,… dẫn đến doanh thu thực tế chỉ bằng 39% so với phương án tài chính ban đầu.

Thực trạng này khiến các nhà đầu tư và ngân hàng mất dần niềm tin khi tham gia đầu tư vào các dự án PPP gặp khó khăn không xuất phát từ phía nhà đầu tư. Ngoài ra, điều này dẫn đến việc nhà đầu tư khó tiếp tục vay vốn để thực hiện các dự án PPP trong thời gian tới, trong đó có dự án đường cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng.

Do đó, Tập đoàn Đèo Cả đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đưa ra giải pháp tháo gỡ dứt điểm vướng mắc của dự án đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tại Văn bản số 402/BC-UBND ngày 13/8/2024.

Đối với dự án đường cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng, tăng tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước lên 70% tổng mức đầu tư để các ngân hàng có cơ sở thực hiện tài trợ vốn dự án. Đối với dự án đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia chỉ ở mức 36% tổng mức đầu tư, yêu cầu vốn Nhà đầu tư phải huy động rất lớn (khoảng 9.877 tỷ đồng); đồng thời, dự án không được áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu dẫn đến dự án chưa phê duyệt được Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Theo đánh giá của đại diện Tập đoàn Đèo Cả, trong trường hợp áp dụng phương án vay vốn tín dụng của Nhà nước để bù đắp, sẽ gặp vướng mắc do Nghị định 78/2023/NĐ-CP ngày 7/11/2023 của Chính phủ (yêu cầu tỷ lệ vốn chủ sở hữu khác với Luật PPP). Tại Thông báo kết luận số 423/TB-VPCP ngày 17/9/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo theo hướng sửa đổi Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, tuy nhiên việc sửa đổi Nghị định có thể kéo dài thời gian từ 6 tháng đến 1 năm.

Do vậy, nhà đầu tư đề xuất dự án thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng không điều chỉnh chủ trương đầu tư, chủ động cân đối phương án tài chính, các bên liên quan cần xác định vừa làm vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đồng thời tiếp tục điều chỉnh tăng phần vốn ngân sách nhà nước tham gia bảo đảm 50%.

Mở hướng tham gia dự án đường sắt tốc độ cao

Ngoài kiến nghị những giải pháp tháo gỡ vướng mắc tại những dự án đường cao tốc đầu tư theo phương thức PPP, Tập đoàn Đèo Cả cũng nêu một số đề xuất nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước sớm làm chủ trong việc đầu tư, sản xuất, thi công các công trình đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao (như: dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam đang chuẩn bị đầu tư, dự án metro, giao thông thông minh, thành phố thông minh,…).

Cụ thể, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường tổ chức các khóa tham quan, học tập, nghiên cứu mô hình của doanh nghiệp và các trường đào tạo nước ngoài đã có kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự.

“Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cần nâng cao trách nhiệm để chủ động xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành, mô hình BIM để áp dụng cho các công trình ngành giao thông, đặc biệt là công trình đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị,...”, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả nêu quan điểm.

Đối với các dự án có quy mô lớn, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước có năng lực quản trị, đã có những sản phẩm cụ thể tổ chức dẫn dắt, kết nối, đào tạo cho các doanh nghiệp khác và ưu tiên đối với các doanh nghiệp địa phương nơi có dự án đi qua.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị giải pháp gỡ khó trong triển khai các dự án trọng điểm.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị giải pháp gỡ khó trong triển khai các dự án trọng điểm.

Liên quan tới dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam, Tập đoàn Đèo Cả đánh giá đây là dự án có quy mô rất lớn và cần nhiều các đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm. Trong thời gian qua, nhiều đơn vị thi công các gói thầu lớn thuộc dự án đường cao tốc bắc-nam giai đoạn II (2021-2025) đã tập trung đầu tư máy móc, đào tạo nhân sự, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 12 dự án thành phần vào cuối năm 2025.

Sau năm 2025, khi dự án hoàn thành, chắc chắn nhiều nhân lực, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp sẽ tồn đọng. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được tiếp tục tham gia dự án đường sắt tốc độ cao trên tuyến bắc-nam.

Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị việc tổ chức thực hiện dự án này cần tách thành hai hợp phần; trong đó, hợp phần 1 gồm các hạng mục cầu, đường, hầm,… cần giao cho doanh nghiệp trong nước thực hiện tương tự các dự án đường bộ cao tốc vừa qua. Hợp phần 2 gồm: phần đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu,… giao cho doanh nghiệp trong nước liên danh với doanh nghiệp nước ngoài triển khai thực hiện.

TRANG LIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kien-nghi-giai-phap-go-kho-cho-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-post835731.html