Kiến nghị miễn thuế VAT cho dịch vụ khoa học và công nghệ
Việc miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các dịch vụ khoa học và công nghệ sẽ khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Cho ý kiến về mức thuế suất 5% áp dụng đối với dịch vụ khoa học, công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ tại điểm m khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, ông Nguyễn Duy Minh (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho biết, việc áp dụng thuế suất 5% đối với dịch vụ khoa học - công nghệ tại Việt Nam có thể mang lại một số lợi ích ngắn hạn về thu ngân sách, quản lý minh bạch hơn.
Hơn nữa, việc áp dụng thuế suất này thay vì miễn thuế hoàn toàn có thể giúp việc quản lý, giám sát các hoạt động khoa học - công nghệ tốt hơn, điều này có thể giảm thiểu rủi ro bị lạm dụng chính sách.
Tuy nhiên, ông Minh đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo xem xét, cho phép dịch vụ khoa học, công nghệ thuộc đối tượng không nộp thuế giá trị gia tăng.
Theo ông Minh, việc miễn thuế VAT cho các dịch vụ khoa học và công nghệ sẽ khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc giảm chi phí đầu tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các tổ chức công nghệ phát triển, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tri thức. Việc áp dụng thuế suất có thể làm giảm động lực này, đặc biệt là trong bối cảnh cần thúc đẩy đổi mới và phát triển công nghệ tại Việt Nam.
Tại Liên minh châu Âu, nhiều quốc gia cũng đã miễn thuế VAT cho các dịch vụ nghiên cứu và phát triển để khuyến khích đổi mới và phát triển công nghệ. Tại Singapore, Chính phủ Singapore cũng đã cung cấp các ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các dịch vụ khoa học và công nghệ, điều này đã giúp Singapore trở thành một trong những trung tâm công nghệ và đổi mới hàng đầu ở châu Á.
"Miễn thuế VAT sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tổ chức tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Điều này rất quan trọng để Việt Nam có thể cạnh tranh trên trường quốc tế và xây dựng một nền kinh tế dựa trên tri thức", ông Minh nhấn mạnh.
Đại biểu cho rằng, cần thể chế hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong 5 năm gần đây như Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị năm 2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50 của Chính phủ năm 2020 liên quan đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2021-2030, bài viết chuyển đổi số động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Từ những phân tích như trên, đại biểu đề nghị xem xét đưa nhóm dịch vụ khoa học, công nghệ thuộc đối tượng được miễn thuế giá trị gia tăng lần này nhằm bảo đảm thực thi tốt nhất các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước và không trái với thông lệ quốc tế.