Kiến nghị tăng, bổ sung mức phạt hành chính nhiều lĩnh vực

Nhiều tranh luận xung quanh quy định luật hóa đối tượng hộ kinh doanhCác hiệp định thương mại có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tếThông cáo ngày đầu khai mạc kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV

Chiều 22-5, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Một số nội dung đáng chú ý trong dự án Luật này là tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng.

Toàn cảnh kỳ họp.

Toàn cảnh kỳ họp.

Trong đó, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể: Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khoản 4, Điều 126 dự kiến sửa đổi, bổ sung quy định rõ hơn việc thông báo, niêm yết công khai về tang vật, phương tiện bị tạm giữ (số lần thông báo, thời hạn thông báo, xử lý tài sản sau khi hết thời hạn thông báo, niêm yết công khai…).

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành, dự thảo luật quy định theo hướng viện dẫn: “Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công” (bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 81 Luật Xử lý vi phạm hành chính), đồng thời, bãi bỏ Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.

Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như: Tạm giữ người theo thủ tục hành chính; tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề… để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng sửa đổi một số nội dung về thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt, thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính...

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xin ý kiến Quốc hội về việc bổ sung quy định “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” và việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành luật; cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi và nhiều nội dung của dự thảo luật.

Về cơ bản, các nội dung của dự thảo luật phù hợp với chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo Hà Nội Mới

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-nuoc/kien-nghi-tang-bo-sung-muc-phat-hanh-chinh-nhieu-linh-vuc-132521.html