Kiên quyết thu hồi, xử lý các dự án chậm sử dụng đất

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua có nhiều dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sau nhiều năm vẫn chưa đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực. Trong khi đó, việc thu hồi, xử lý còn hạn chế.

Chậm cả thập niên

Trong khi đất đai tại nhiều địa điểm được ví “tấc đất, tấc vàng”, quỹ đất ngày càng thu hẹp thì nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có giá trị tiền tỷ, thậm chí hàng chục, trăm tỷ lại bỏ không cho cỏ mọc nhiều năm liền. Có những dự án đã được giao đất hơn một thập niên, đến nay vẫn chưa sử dụng, gây lãng phí tài nguyên, thiệt hại cho ngân sách, khiến dư luận bức xúc.

Dự án xây dựng khách sạn Hà Nội Prince và khu vui chơi giải trí liên hoàn nằm giữa trung tâm TP Bắc Giang, nhưng chậm sử dụng đất hơn chục năm nay.

Dự án xây dựng khách sạn Hà Nội Prince và khu vui chơi giải trí liên hoàn nằm giữa trung tâm TP Bắc Giang, nhưng chậm sử dụng đất hơn chục năm nay.

Theo rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), trên địa bàn tỉnh hiện có 27 dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã nhiều năm nhưng chưa đưa đất vào sử dụng, chậm đầu tư dự án, hết thời hạn thuê đất mà không được gia hạn dự án hoặc mới sử dụng đất được một phần rất nhỏ, sử dụng không đúng theo văn bản chấp thuận đầu tư. Diện tích mỗi dự án ít nhất là vài nghìn đến vài chục nghìn m2. Cá biệt có dự án diện tích sử dụng đất hàng trăm nghìn m2.

Theo rà soát của Sở TN&MT, trên địa bàn tỉnh hiện có 27 dự án được Nhà nước cho thuê đất đã nhiều năm nhưng chưa đưa đất vào sử dụng, chậm đầu tư dự án, hết thời hạn thuê đất mà không được gia hạn...

Cụ thể như, dự án đầu tư xây dựng cảng hàng hóa chế biến than, khu liên hợp chế tạo thiết bị cơ khí, sản xuất gỗ MDF, địa điểm thực hiện tại xã Mỹ An (Lục Ngạn), sử dụng hơn 206 nghìn m2 đất; dự án khai thác, chế biến quặng, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang tại xã Xuân Lương (Yên Thế) có diện tích đất hơn 163,8 nghìn m2.

Trong số các địa phương có dự án chậm sử dụng đất, nhiều nhất là TP Bắc Giang 9 dự án; huyện Yên Thế 5 dự án; các huyện Yên Dũng, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang mỗi nơi 2 dự án; Tân Yên 3 dự án...

Đáng chú ý, trong những dự án trên, nhiều dự án chậm sử dụng đất kéo dài cả thập niên. Dự án xây dựng khách sạn Hà Nội Prince và khu vui chơi giải trí liên hoàn của Công ty cổ phần Sản xuất và Công nghiệp Việt Nam có diện tích sử dụng đất hơn 3.000 m2. Địa điểm đầu tư tại đường Xương Giang, phường Ngô Quyền (khu vực đất vàng của TP Bắc Giang).

Dự án được UBND tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào cuối tháng 11/2007, dự kiến hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng tháng 11/2009 nhưng đến nay, vẫn chưa đầu tư. Trên đất chỉ có 1 nhà tôn tạm diện tích khoảng 50 m2.

Dự án xây dựng nhà máy cán thép và kết cấu thép với công suất 50.000 tấn/năm tại xứ đồng Quan, thôn Nội, xã Nội Hoàng (Yên Dũng) được UBND tỉnh cho thuê hơn 13,2 nghìn m2 đất từ năm 2009, trả tiền thuê đất hằng năm. Chủ đầu tư mới xây dựng tạm một số hạng mục nhỏ, còn lại phần lớn đất chưa sử dụng, doanh nghiệp này cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Tương tự, dự án nhà máy rác thải sinh hoạt công nghệ CDW, công suất 20 tấn/ngày, được UBND tỉnh cho thuê hơn 18 nghìn m2 đất tại thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) từ năm 2008 nhưng không hoạt động theo chấp thuận đầu tư, để phần lớn đất hoang hóa hơn chục năm; dự án Nhà máy sản xuất gạch Tuynel của Công ty TNHH MTV Mai Luận tại xã Việt Ngọc (Tân Yên) được UBND tỉnh cho thuê gần 30 nghìn m2 đất từ năm 2013 nhưng mới xây dựng được một văn phòng hơn 150 m2, diện tích còn lại vẫn là thùng vũng...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do năng lực tài chính, quản trị của doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu; số ít là do vướng thủ tục, quy định của pháp luật...

Không để lãng phí đất đai

Được biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành liên quan như Sở TN&MT, Sơ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra tỉnh... phối hợp với các địa phương tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án chậm đầu tư, sử dụng đất, từ đó lập hồ sơ quản lý và có hướng xử lý, tháo gỡ theo quy định. Đồng thời kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án, công trình đã chấm dứt đầu tư, hết thời hạn cho gia hạn sử dụng đất nhưng vẫn chưa hoàn thành đầu tư, đưa đất vào sử dụng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Lượng, Trưởng Phòng Quản lý đất đai (Sở TN&MT), việc xử lý, thu hồi các dự án chậm sử dụng đất nêu trên gặp rất nhiều khó khăn, vì một số chủ đầu tư không hợp tác, mời làm việc không đến hoặc không liên lạc được. Có dự án bị vướng quy hoạch xây dựng, chưa thu hồi được do bất cập trong quy định của pháp luật hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp ngân hàng (như dự án xây dựng nhà máy cán thép và kết cấu thép Nội Hoàng).

Cá biệt, có dự án, do người đại diện theo pháp luật bị bắt, xử lý hình sự ở vi phạm khác (như dự án xây dựng khách sạn Hà Nội Prince và khu vui chơi giải trí liên hoàn) nên khó thực hiện việc thu hồi đất... Ngoài ra, trong quá trình xử lý các dự án chậm đầu tư, cán bộ cơ quan liên quan có dấu hiệu ngại va chạm, lo việc thiết lập hồ sơ xử lý thiếu chặt chẽ sẽ phát sinh đơn thư, khiếu kiện nên chưa sát sao, kiên quyết.

Đến thời điểm này, cơ quan chức năng mới tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi 7/27 dự án; 1 dự án ngày 28/11 vừa qua, chủ đầu tư có đơn trả lại đất; số còn lại đang xem xét, xử lý hoặc gia hạn thời gian theo quy định.

Để xử lý dứt điểm các dự án vi phạm Luật Đất đai nêu trên, đề nghị các sở: TN&MT, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng và các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục phối hợp rà soát, phân loại làm rõ nguyên nhân chậm trễ, vướng mắc, trách nhiệm cụ thể của cán bộ chuyên môn ở từng dự án để có hướng tháo gỡ, giải quyết triệt để, sớm thu hồi lại diện tích đất giao nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích.

Về lâu dài cần siết chặt việc lựa chọn, thẩm định năng lực của chủ đầu tư, kiên quyết không để xảy ra tình trạng xét năng lực đầu tư trên giấy dẫn đến những dự án không khả thi, kém hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên, làm giảm nguồn thu ngân sách và nhiều hệ lụy khác.

Thùy Ninh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/416384/kien-quyet-thu-hoi-xu-ly-cac-du-an-cham-su-dung-dat.html