Kiên quyết xử lý vi phạm về giao thông, trọng tâm là nồng độ cồn, quá tải trọng

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, qua đó, tình hình TTATGT đã có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài...

Chiều 25/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT từ năm 2009 đến hết năm 2023”. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát điều hành nội dung họp.

Tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm

Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT từ năm 2009 đến hết năm 2023”, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó trưởng Đoàn giám sát cho biết, công tác bảo đảm TTATGT theo quy định của pháp luật trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng và hàng hải đã được triển khai tích cực, đồng bộ. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm “nồng độ cồn”, quá tải trọng, xe “cơi nới” thành thùng, nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường.

Tình hình TTATGT đường bộ có những chuyển biến tích cực, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ của người tham gia giao thông được nâng cao; qua đó, số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT tiếp tục giảm, nhất là số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải, được kiềm chế.

Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, trình Quốc hội thông qua 2 Luật (Luật Đường bộ, Luật TTATGT đường bộ) với quá trình chuẩn bị công phu, chu đáo, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập; cũng như định hướng phát triển đường bộ, bảo đảm TTATGT đường bộ trong thời gian tới.

Trên đường sắt, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc đảm bảo TTATGT đường sắt; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt (ATGTĐS); rà soát, thống kê, phân loại lối đi tự mở và quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm TTATGT đường sắt; qua đó, số vụ tai nạn giao thông đường sắt (TNGTĐS) đã giảm rõ rệt, năm sau thấp hơn năm trước trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương. Từ năm 2019 đến năm 2023 đã thực hiện xóa bỏ 924/4.100 lối đi tự mở nguy hiểm (đạt 22,5%) trên địa bàn khu vực đông dân cư có mật độ chạy tàu cao và tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ cao về TNGTĐS; không để phát sinh lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt...

Trên đường thủy nội địa, công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự ATGT đường thủy ngày được tăng cường; công tác quản lý bảo trì đường thủy nội địa; công tác thường trực chống va trôi, điều tiết khống chế bảo đảm ATGT đường thủy nội địa được tổ chức triển khai thực hiện thường xuyên hàng năm. Tình hình TNGT đường thủy nội địa đã được kiềm chế cả 3 tiêu chí, giảm sâu so với giai đoạn trước (2004 – 2014) nhưng vẫn xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo của đoàn giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo của đoàn giám sát.

Giai đoạn 2016-2023, ngành hàng không Việt Nam ghi nhận 2 tai nạn (trong hoạt động hàng không chung, trong đó 1 tai nạn không có thiệt hại về người) và 632 sự cố, trong đó có 9 sự cố nghiêm trọng mức B, 63 sự cố uy hiếp an toàn cao mức C, 560 sự cố uy hiếp an toàn mức D. Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2023, trên hàng hải không có thiệt hại lớn về người, tài sản do thiên tai gây ra.

Đoàn giám sát cũng cho biết, trong những năm qua hệ thống chính sách, pháp luật về đảm bảo TTATGT ngày càng hoàn thiện nhất là lĩnh vực giao thông đường bộ; hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng được chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp...

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, qua đó, tình hình TTATGT đã có những chuyển biến tích cực, TNGT được kiềm chế, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của người dân từng bước được nâng cao. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả về bảo đảm TTATGT... “Đặc biệt là công tác giám sát của UBTVQH đã phục vụ có hiệu quả cho việc hoàn chỉnh các chính sách về đường bộ, về TTATGT đường bộ; báo cáo Quốc hội thông qua Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ với tỷ lệ rất cao” – Trung tướng Lê Tấn Tới nêu.

Đoàn giám sát cũng đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập, nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các tồn tại đó; đồng thời, nêu 8 giải pháp và các kiến nghị cụ thể đối với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Nồng độ cồn "bằng 0" được dư luận đồng tình, ủng hộ

Thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, thiết kế hạ tầng đường bộ nhiều nơi chưa đạt theo quy định, do đó, đề nghị cần đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng an toàn, chắc chắn. Đối với đường đèo, dốc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, TNGT do lái xe hay do kỹ thuật phương tiện; đồng thời đề nghị cần quan tâm xử lý một bộ phận thanh, thiếu niên tổ chức đua xe trái phép và giao thông tại khu vực nông thôn.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đề nghị, cần đánh giá kỹ hơn về hiệu quả của việc quy định nồng độ cồn “bằng 0” khi tham gia giao thông được quy định trong Luật TTATGT đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, vì đây là vấn đề dư luận người dân rất quan tâm, ủng hộ và chấp hành nghiêm túc trong thời gian qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị, báo cáo giám sát cần nhấn mạnh thêm về ý thức của người tham gia giao thông; chỉ rõ, đây là một trong những nguyên nhân gây mất TTATGT và TNGT. “Cũng là con người đấy, khi đi ra nước ngoài thì chấp hành tốt quy định về TTATGT. Song khi về Việt Nam thì vượt đèn đỏ, các vi phạm rất nhiều”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ, đề nghị đánh giá việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương; sự tham gia của hệ thống chính trị; ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân. Về kiến nghị của Đoàn giám sát về tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về TTATGT, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, kiến nghị giải pháp là quan trọng đối với công tác giám sát; trong đó kiến nghị cần rõ ràng, cụ thể về đề nghị ban hành nghị quyết, chỉ thị, xây dựng luật.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên họp.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên họp.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, cần tập trung làm rõ hơn một số vấn đề, kiến nghị. Đồng thời, đề nghị bổ sung đánh giá nhiều vấn đề, trong đó ưu điểm nổi bật về quy hoạch, chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông trên 5 lĩnh vực. Bổ sung đánh giá một số hiện tượng tiêu cực trong các lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ như đào tạo, sát hạch, cấp phép, kiểm định, kiểm tra, kiểm soát...

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/kien-quyet-xu-ly-vi-pham-ve-giao-thong-trong-tam-la-nong-do-con-qua-tai-trong-i745186/