Kiến tạo cách học mới mẻ, thú vị

Mới đây, cô giáo Đào Thị Hồng Quyên, Hệ thống Giáo dục Genesis (Hà Nội), là giáo viên Việt Nam đầu tiên nhận Giải thưởng 'Power of Radiance' (POR-Tỏa sáng sức mạnh tri thức) trị giá 100.000USD (hơn 2 tỷ đồng), thông qua đề cử trực tiếp từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

Đây là giải thưởng mỗi năm dành cho một cá nhân duy nhất trên thế giới vì những nỗ lực thúc đẩy giáo dục STEM (STEM là viết tắt của các từ: Science-khoa học, Technology-công nghệ, Engineering-kỹ thuật, Mathematics-toán học).

Điều đáng quý là giải thưởng mang tầm thế giới của cô giáo sinh năm 1990 là thành quả “nảy mầm” từ lời dặn dò của người cha. Cha cô, một chiến sĩ pháo binh, chính là người đã dạy cô những bài học STEM đầu tiên khi hướng dẫn con gái từ kỹ năng sinh tồn khi đi rừng, chống bị nhiễm chất độc, làm thủy lợi đến những kiến thức liên quan tới vũ khí và cả thơ ca. Đối với việc xã hội, ông là tấm gương khuyến học với những nỗ lực mang tri thức đến cho con cái và trẻ em ở địa phương.

Khi cha đã già yếu, cô Quyên ngỏ lời thay cha làm tiếp việc khuyến học này. Nhưng ông khuyên con gái cần đi ra ngoài xã hội học hỏi tri thức để giúp được nhiều người hơn. Từ lời dặn dò ấy, cô Quyên đã nỗ lực học tập, tiếp thu tri thức và kinh nghiệm sống rồi tìm cách cống hiến hết mình cho giáo dục STEM. Cô có niềm tin rằng giáo dục STEM là cách tốt để thay đổi thế hệ tương lai.

 Cô Đào Thị Hồng Quyên (giữa) nhận giải thưởng Power of Radiance 2023. Ảnh: Power of Radiance 2023

Cô Đào Thị Hồng Quyên (giữa) nhận giải thưởng Power of Radiance 2023. Ảnh: Power of Radiance 2023

Bằng tri thức toàn cầu học hỏi được, cô không ngừng khích lệ trí tò mò, sáng tạo để từ những vật liệu đơn giản xung quanh mình, trẻ có thể hiểu được cách vận hành của thế giới tự nhiên và con người, hiểu được những biến đổi của khoa học-công nghệ... Cô đã góp phần hình thành cách học mới mẻ, thú vị, giúp đỡ không chỉ trẻ em thành phố mà còn áp dụng được với cả trẻ em ở nhiều vùng miền, đặc biệt ở những nơi khó khăn, vất vả.

Có thể nói, cô giáo Đào Thị Hồng Quyên đại diện cho những người trẻ có khát khao về một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng, xã hội. Truyền thống gia đình, những giá trị tốt đẹp của dân tộc đã góp phần không nhỏ hình thành ý thức cống hiến trong họ. Họ sử dụng kiến thức để tìm ra cách mang kiến thức học được đến với nhiều người nhất, bằng những cách thức hiệu quả nhất. Hiệu quả của việc này không chỉ là tri thức được tiếp nhận hay những tấm lòng cần tri ân mà còn là cả tấm gương để trẻ em noi theo, hướng đến.

Họ là cầu nối dẫn đến sự thay đổi, là những con đường dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước. Đất nước chúng ta cần nhiều hơn người trẻ sẵn sàng xây dựng và bồi đắp tri thức như thế. Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, Việt Nam có 20,4 triệu thanh thiếu niên từ 10 đến 24 tuổi, chiếm 21% dân số. Đây là ghi nhận tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước. “Thời kỳ dân số vàng” này tạo nền tảng tiềm năng cho phát triển nhưng dự kiến chỉ kéo dài đến năm 2039. Lúc này, việc trả lời cho câu hỏi làm thế nào để phát huy tốt nhất những giá trị tốt đẹp từ người trẻ cần nhanh chóng được thực hiện. Trước tiên phải từ những người trẻ, dù ở ngành nghề nào thì hãy luôn trăn trở với vận mệnh đất nước, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên và tấm lòng sẵn sàng sẻ chia với cộng đồng...

HIỀN VINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/kien-tao-cach-hoc-moi-me-thu-vi-726579