Kiên trì hướng đi hiệu quả

Hà Nội hiện là điểm sáng về công tác giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu cao của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hà Nội đang từng bước tiếp cận và bám sát nhu cầu của thị trường để tổ chức đào tạo, bảo đảm cho người lao động có việc làm ổn định sau tốt nghiệp.

Trong những năm gần đây, mỗi năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Hà Nội luôn tăng 3-5%, nằm trong tốp cao nhất cả nước và đến nay, tỷ lệ này đã đạt hơn 67% (cả nước là 62%). Điểm nổi bật nhất trong công tác đào tạo nghề của Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước chính là việc tuyển sinh luôn được nhiều nhà trường kết hợp với doanh nghiệp để tính toán “đầu vào - đầu ra” hợp lý. Việc này không chỉ giúp người học dễ tìm được việc làm, mà các doanh nghiệp cũng tìm được nguồn nhân lực ưng ý, đáp ứng ngay yêu cầu của công việc.

Trên thực tế, việc có đông đảo người lao động lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông là tín hiệu tích cực, cho thấy nhận thức về định hướng nghề nghiệp từng bước có sự thay đổi, đi vào thực chất. Nhìn rộng hơn, nền kinh tế được bổ sung thường xuyên lực lượng lao động có tay nghề tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trước những yêu cầu mới, các cơ sở đào tạo phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, giáo trình giảng dạy; đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức nhiều kênh tuyển sinh để tiếp cận đến được người có nhu cầu… Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp để nghiên cứu, cập nhật thường xuyên tình hình thị trường lao động, qua đó có định hướng đào tạo sát thực, hiệu quả. Quá trình đào tạo, ngoài tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, phải trang bị cho người lao động về kỹ năng sống, sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ…

Ngoài ra, cần lưu ý ở nhiều nơi đang đô thị hóa rất nhanh, tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn chiếm đa số song họ lại thiếu trình độ chuyên môn, tay nghề cao… Các cơ sở đào tạo nghề có thể “tìm nguồn” ở những khu vực này để vừa giúp người lao động nâng cao tay nghề, có việc làm ổn định, vừa góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ…

Để làm tốt hơn nữa việc xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề, các doanh nghiệp còn cần thể hiện rõ vai trò, phối hợp chặt chẽ với các trường nghề tham gia sâu hơn vào quá trình tuyển sinh, đào tạo. Doanh nghiệp có thể cùng nhà trường đầu tư cơ sở vật chất, tạo môi trường thuận lợi để học sinh vừa học, vừa làm, xây dựng nền tảng vững chắc về kiến thức, kỹ năng cho người học ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Các địa phương, ngành chức năng tiếp tục làm tốt công tác dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực và phải cập nhật thường xuyên. Cùng với đó là thực hiện tốt hơn nữa giải pháp phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông và quan tâm thực hiện chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Các trường nghề trên địa bàn Hà Nội đã khởi động tuyển sinh năm 2020. Kiên trì hướng đầu tư - phát triển theo chiều sâu, bám sát nhu cầu thị trường lao động sẽ là “chìa khóa” thành công cho các cơ sở đào tạo nghề, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô và cả nước.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/957311/kien-tri-huong-di-hieu-qua