Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, người đặt nền móng kiến trúc Việt Nam

Sáng 15-5, tại Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Giáo sư, kiến trúc sư, họa sĩ Ngô Huy Quỳnh (15/5/1920 - 15/5/2020) - người đặt nền móng cho kiến trúc Việt Nam.

Thiết kế Lễ đài Độc lập của kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh.

Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh sinh năm 1920, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước ở Hưng Yên. Với năng khiếu hội họa, ông theo học khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - nơi đào tạo nhiều tên tuổi của mỹ thuật Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp (năm 1943), ông chính thức tham gia cách mạng, được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc, làm công tác kiến trúc. Trong Cách mạng Tháng Tám, ông được cử tham gia thành lập chính quyền ở Nam Định. Ngày 1-9-1945, kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh trực tiếp thiết kế và chỉ đạo lắp đặt Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Tháng 10-1945, ông được kết nạp Đảng

Năm 1947, kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh là một trong những người sáng lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam - tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay. Trong kháng chiến chống Pháp, ông lên Việt Bắc, tham gia công tác xây dựng cơ bản. Năm 1951, ông là một trong 21 cán bộ Việt Nam đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cử sang Liên Xô học tập để sau này trở về xây dựng, phát triển đất nước.

Ở lĩnh vực kiến trúc, ngay từ thời sinh viên, Ngô Huy Quỳnh đã ghi dấu ấn khi thiết kế và hướng dẫn xây dựng nhiều công trình nhà ở, biệt thự tại các phố Nguyễn Du, Cao Ðạt (Hà Nội)... Cùng với thiết kế Lễ đài Độc lập, ông còn lập quy hoạch trung tâm Quảng trường Ba Đình, Nhà Quốc hội...

Ra mắt cuốn sách "Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh".

Sau khi được đào tạo ở Liên Xô, kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh trở về, cống hiến trong công tác nghiên cứu lý luận, kiến trúc Việt Nam; là người tiên phong trong nghiên cứu, thiết kế nhà ở của các đồng bào dân tộc thiểu số, nhà cổ truyền, nhà trình tường... Bên cạnh đó, ông còn tham gia đào tạo nhiều lớp kiến trúc sư Việt Nam và có nhiều tác phẩm mỹ thuật để lại dấu ấn.

Ông được phong hàm Giáo sư năm 1984, nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2001. Ông mất năm 2003, hiện tên ông được đặt cho một phố tại quận Long Biên (Hà Nội).

Nhân dịp này, Nhà Xuất bản Hồng Đức ra mắt cuốn sách "Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh".

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/967447/kien-truc-su-ngo-huy-quynh-nguoi-dat-nen-mong-kien-truc-viet-nam