Kiên trung thời chiến, gương mẫu thời bình

Tròn 45 năm đất nước thống nhất, những chiến sĩ anh dũng tham gia đánh giặc cứu nước năm xưa nay đã bước sang tuổi xế chiều. Tuy nhiên, dù ở thời bình hay thời chiến, tuổi trẻ hay tuổi già họ vẫn sắt son một lòng yêu nước, tiếp tục chung tay xây dựng quê hương phát triển.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, 17 tuổi, cựu chiến binh Trương Tấn Mùi, ở ấp Long Hòa 2, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) tham gia cách mạng. Và liên tiếp từ năm 1969-1975 ông có mặt trong các trận đánh ác liệt tiêu diệt nhiều đồn bốt của địch trên địa bàn Long Mỹ, Phụng Hiệp để giải phóng quê hương… Đến khi đất nước hòa bình, thống nhất, trở về quê hương ông Mùi lao vào chăm lo phát triển kinh tế gia đình và tiếp tục tham gia công tác tại địa phương với vai trò trưởng ấp Long Hòa 2 rồi chuyển sang làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp đến nay.

Với vai trò là chi hội trưởng, ông thành lập tổ hùn vốn trong chi hội để hội viên mượn không tính lãi và tuyên truyền, vận động hội viên tích cực sản xuất nâng cao đời sống. Bình quân mỗi tháng, tổ sẽ giúp 2 hội viên mượn vốn với số tiền từ 6-10 triệu đồng/người. Ông còn vận động hội viên học tập, ra mắt các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi mô hình vườn tạp kém hiệu quả để tăng thu nhập. Đến nay, chi hội có 21 hội viên, 100% hộ hội viên thoát nghèo; một số hội viên có mô hình làm kinh tế hiệu quả cao, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

 Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (thứ 3 từ trái sang, hàng trước) và Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô bàn giao nhà đồng đội cho CCB Lý Minh Tâm (năm 2015).

Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (thứ 3 từ trái sang, hàng trước) và Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô bàn giao nhà đồng đội cho CCB Lý Minh Tâm (năm 2015).

Còn đối với Thiếu tướng Lê Thanh Sơn, tên thường gọi là Ba Ngay, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ (nay là thành phố Cần Thơ), nguyên Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn Tây Đô thì được sống đến hôm nay là nhờ một phần vào sự hy sinh của đồng đội. Vì thế sau khi nghỉ hưu, năm 2003 ông bắt tay ngay vào công việc vận động tiền, thậm chí trích cả một phần lương hưu của mình để xây nhà và giúp đỡ cho đồng đội khi gặp khó khăn. Ban đầu vận động 1 căn nhà, 2 căn, rồi đến 5 căn, sau đó là 50 căn nhà. Những căn nhà đầu tiên 10 triệu đồng, sau đó là 20 triệu đồng và giờ đây là 40 triệu đồng. Đến nay có 1.031 căn nhà nghĩa tình cho đồng đội đã được ông và Ban Liên lạc Tiểu đoàn vận động, xây dựng. Ông tâm sự: “Còn sức thì mình cứ tiếp tục làm, làm đến khi nào không làm được nữa thì thôi. Đây cũng là sự sẻ chia với những đồng đội đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc”.

Nhận định về việc làm của Thiếu tướng Lê Thanh Sơn và Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô, Đại tá Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Cần Thơ cho biết: “Nơi nào đồng đội còn khó quá mà chưa được nhà cửa đàng hoàng thì chú Ba đều cử anh em đi tới để giúp, để xây nhà. Việc làm của chú Ba là nghĩa cử hết sức là cao đẹp. Chuyện cất nhà cho đồng đội là việc làm ý nghĩa, mà cất hơn 1.000 căn nhà thì nhiều người phải khâm phục, nhất là những người đang làm công tác hội cần phải phấn đấu noi theo”.

Trong chiến tranh, những người như cựu chiến binh Trương Tấn Mùi, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn đã “vào sinh ra tử”, đối mặt với quân thù, lập nên những chiến công. Hòa bình lập lại, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ họ tiếp tục tiên phong, gương mẫu, chung tay cùng Đảng, chính quyền và Nhân dân chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn, xây dựng quê hương thêm giàu đẹp…

Bài, ảnh: NGỌC THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/kien-trung-thoi-chien-guong-mau-thoi-binh-616733