'Kiev thừa nhận chưa từng đánh chặn được X-22'

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters, phát ngôn viên Không quân Ukraine Yuri Ignat thừa nhận, Kiev chưa một lần đánh chặn được X-22 của Nga.

Phát ngôn viên Không quân Ukraine Yuriy Ihnat.

Phát ngôn viên Không quân Ukraine Yuriy Ihnat.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi đầu năm 2022, nhiều loại tên lửa tối tân đã được Không quân và Hải quân Nga sử dụng, trong đó có Kinzhal và X-22.

"Lực lượng phòng không Ukraine không đánh chặn được bất kỳ tên lửa X-22 nào trong cuộc không kích rạng sáng 15/8, cũng như kể từ khi xung đột bùng phát.

X-22 được coi là tên lửa hành trình, nhưng thực chất đó là vũ khí siêu thanh và không thể bị bắn hạ bằng hệ thống phòng không thông thường của chúng tôi.

Ngay cả những hệ thống hiện đại nhất trong biên chế của chúng tôi như S-300 cũng không chặn được loại tên lửa này. Các thông tin phòng không Ukraine bắn rơi tên lửa X-22 trước đây chỉ là nhầm lẫn", phát ngôn viên Yuri Ignat thừa nhận.

Vị phát ngôn viên này cho rằng chỉ có các hệ thống phòng không hiện đại do phương Tây sản xuất như Patriot mới có thể bắn hạ được vũ khí như X-22 và Kinzhal.

Đây chính là lý do khiến Kiev từng nhiều lần kêu gọi Mỹ và đối tác phương Tây cung cấp thêm Patriot và tổ hợp SAMP/T.

Bộ tư lệnh Không quân Ukraine trước đó nói rằng, trong cuộc tập kích rạng sáng 15/8, Nga đã sử dụng 28 tên lửa hành trình các loại, gồm 4 tên lửa siêu thanh Kh-22 (còn gọi là X-22) và 20 tên lửa hành trình Kh-101/555 phóng từ oanh tạc cơ chiến lược, cùng 4 quả Kalibr triển khai từ tàu chiến trên Biển Đen.

Phòng không Ukraine tuyên bố đã phá hủy 16 tên lửa Kh-101/555 và Kalibr, nhưng Nhà máy Chế tạo máy phương Nam (Pivdenmash) ở thành phố Dnipro, miền trung nước này, vẫn trúng loạt tên lửa hành trình, dường như là X-22.

X-22 Burya/Kh-22 (NATO định danh là AS-4 Kitchen) là tên lửa hành trình siêu thanh tầm xa phóng từ trên không. Dòng tên lửa này được phát triển từ Liên Xô như một phương tiện để đánh bại nhóm tác chiến tàu sân bay của đối thủ tiềm năng.

Nửa thế kỷ trước, trình độ công nghệ chế tạo tên lửa chiến đấu chưa thể đảm bảo độ chính xác cao (không chỉ riêng ở Liên Xô), vì thế X-22 ban đầu được chế tạo thành hai phiên bản. Phiên bản đầu tiên để tiêu diệt một mục tiêu (tàu lớn).

Nó được trang bị hệ thống định vị đầu tự dẫn radar và có thể mang phần chiến đấu phân mảnh có sức nổ cao, có thể được trang bị đầu đạn tích lũy hoặc đầu đạn hạt nhân (200 kiloton). Phiên bản thứ hai để tấn công mặt đất được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính.

Tên lửa có thể lao vào mục tiêu với tốc độ 2.500km/h. Nhưng trong thực tế chiến đấu tốc độ bay tối đa của X-22 còn lên tới 3.600 - 3.710km/h, tầm bay có thể đạt 350km, trong khi những phiên bản sửa đổi mới nhất có tầm bắn lên tới gần 500km.

Tên lửa X-22 có chiều dài hơn 11m, đường kính 0,94m. Tên lửa có trọng lượng toàn bộ 5,9 tấn, trong đó đầu đạn 1 tấn (bao gồm 0,6 tấn thuốc nổ trong đầu đạn phi hạt nhân). Trần bay của Burya có thể lên tới 25.000m - cao hơn khả năng đánh chặn của nhiều hệ thống phòng thủ phương Tây.

Trước đây, các phương tiện mang tên lửa X-22 là máy bay ném bom tầm xa Tu-22K, Tu-95K, Tu-22M2. Sau quá trình sửa đổi, hiện chỉ có Tu-22M3 có thể mang loại tên lửa đáng sợ này.

Ngày nay, tên lửa X-22 không được gọi là cực kỳ hiện đại. Một số chuyên gia còn nghi ngờ khả năng của X-22 trong nhiệm vụ chọc thủng các hệ thống phòng không hiện đại và hệ thống tác chiến điện tử hiện đại nhất của đối thủ.

Clip X-22 tấn công mục tiêu quân sự Ukraine hồi giữa năm 2022.

Tuy nhiên, thực tế chiến đấu tại Ukraine đã chứng minh, tên lửa này hoạt động rất hiệu quả. Dù vẫn rất đáng sợ nhưng hiện tại Nga đã phát triển phiên bản mới X-32 từ nguyên mẫu X-22.

Bề ngoài rất giống X-22, nhưng chúng có tầm bắn xa hơn, có tốc độ nhanh hơn, trần bay cao hơn, thông minh và có thể đánh lừa được hàng phòng thủ tối tân nhất hiện nay của đối phương.

Tiến Thành

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kiev-thua-nhan-chua-tung-danh-chan-duoc-x-22-post650854.html