'Kim Huệ thiếu minh bạch khi nhận tiền lót tay trước'

Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Văn Thành khẳng định có đầy đủ lý do để đưa ra hình thức kỷ luật cho Phạm Thị Kim Huệ và các vận động viên.

"Chúng tôi phạt Kim Huệ để làm gương, tránh làm rối loạn nền bóng chuyền Việt Nam. Đây cũng là bài học cho các vận động viên khác trong việc chuyển nhượng", Chủ tịch Lê Văn Thành nói với Zing.

 Kim Huệ bức xúc vì án phạt của Liên đoàn. Ảnh: Minh Minh.

Kim Huệ bức xúc vì án phạt của Liên đoàn. Ảnh: Minh Minh.

"Chúng tôi chỉ phạt cảnh cáo Kim Huệ"

Chủ tịch Lê Văn Thành cho biết: "Kim Huệ chưa nghỉ ở đội bóng cũ, nhưng đã nhận tiền lót tay hàng tỷ đồng để sang đội bóng mới, nhưng cuối cùng trả lại tiền để không đi nữa, như vậy là thiếu minh bạch và không nên. Bên Vĩnh Phúc kiến nghị lên Liên đoàn đòi cấm chỉ đạo và thi đấu với Kim Huệ và các vận động viên (VĐV), nhưng chúng tôi chỉ phạt cảnh cáo. Chúng tôi có đầy đủ căn cứ kỷ luật răn đe Kim Huệ và các vận động viên".

Hôm 10/4, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) ra quyết định cảnh cáo HLV Phạm Thị Kim Huệ, cùng 3 vận động viên của Ngân hàng Công thương (NHCT) gồm Nguyễn Thu Hoài, Hoàng Thị Phương Anh và Nguyễn Thị Ninh Anh khi "căn cứ vào hành vi ứng xử, làm ảnh hưởng đến các hoạt động của bóng chuyền Việt Nam".

Án kỷ luật này được đưa ra do 4 cô trò Kim Huệ nhận lời đầu quân cho đội Vĩnh Phúc, đã nhận tiền cọc nhưng sau đó bất ngờ bể kèo để ở lại NHCT. Sau khi biết tin, Kim Huệ tỏ ra không phục với án kỷ luật.

"Chúng tôi chưa ký hợp đồng với họ, nên không thể cấm chỉ đạo và thi đấu cho NHCT được, nhưng làm như vậy là ảnh hưởng tới danh dự cá nhân tôi cùng đội. Vì sao Liên đoàn chỉ nghe một phía, không mời chúng tôi làm việc đã ra quyết định", Kim Huệ bức xúc.

Khi đó, Tổng thư ký VFV Lê Trí Trường cho biết việc làm của Kim Huệ và các học trò là không hay, ảnh hưởng xấu tới bóng chuyền Việt Nam. Tuy nhiên, đây là việc dân sự, nên cả 4 cô trò vẫn được chỉ đạo, thi đấu bình thường. Án phạt chỉ mang tính chất răn đe, nhắc nhở và không có gì nghiêm trọng.

Sáng 27/4, Kim Huệ chia sẻ: "Chúng tôi được mời lên VFV làm việc, nhưng không hề biết họ mời cả đại diện Vĩnh Phúc, và mời không phải để nói về vấn đề lý do ra quyết định kỷ luật. Họ không giải đáp được tại sao chúng tôi bị kỷ luật mà ép chúng tôi nhận quyết định kỷ luật trước mặt đại diện Vĩnh Phúc. Tôi cống hiến cho bóng chuyền cả sự nghiệp, nhưng giờ bị kỷ luật không lý do như vậy. Thực sự nó ảnh hưởng lớn tới danh dự và tiếng tăm của cả đời tôi".

 Nhà tài trợ Vĩnh Phúc muốn phạt nặng cô trò Kim Huệ. Ảnh: Thế Anh.

Nhà tài trợ Vĩnh Phúc muốn phạt nặng cô trò Kim Huệ. Ảnh: Thế Anh.

Nhà tài trợ đội Vĩnh Phúc gửi công văn đến cơ quan điều tra

Trao đổi với Zing, đại diện nhà tài trợ của đội bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc, cho biết đã gửi công văn đến Thanh tra Ủy ban Thể dục Thể thao, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Vĩnh Phúc về việc tố cáo hành vi lợi dụng hoạt động thể dục thể thao để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công ty trong cùng ngày 25/3.

Theo công văn, đội bóng chuyền nữ Vĩnh Phúc, với mục đích kiện toàn nhân sự tham gia thi đấu trong mùa giải 2021 và trên cơ sở văn bản đề nghị của các cầu thủ theo yêu cầu nhận khoản tiền để cam kết về thi đấu cho đội, công ty đã tài trợ cho HLV Phạm Thị Kim Huệ 2 tỷ đồng, Nguyễn Thu Hoài 3 tỷ đồng, Nguyễn Thị Ninh Anh 2 tỷ đồng và Hoàng Thị Phương Anh 2 tỷ đồng.

Cá nhân Kim Huệ yêu cầu chuyển khoản 4 tỷ đồng, nhưng đồng ý nhận trước 2 tỷ đồng và số tiền còn lại sẽ nhận sau khi hoàn tất thủ tục gia nhập đội Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, Kim Huệ và 3 vận động viên đã từ chối tham gia đội Vĩnh Phúc mà không có lý do chính đáng, không phối hợp với công ty để hoàn tất các hồ sơ đăng ký thi đấu theo quy định.

"Sau nhiều nỗ lực trao đổi trên tinh thần hợp tác, thương lượng nhưng không đạt được kết quả, công ty đã bị các cầu thủ nói trên lợi dụng hoạt động thể thao để xâm phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Thể dục thể thao 2006 được sửa đổi bổ sung bởi điểm a khoản 2 Điều 1 Luật Thể thục Thể thao sửa đổi 2018, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Công ty đề nghị Quý Cơ quan CSĐT điều tra các cá nhân nêu trên, làm rõ về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công ty theo quy định pháp luật", công văn có đoạn.

Kim Huệ cho biết tất cả quá trình đàm phán hợp đồng, chuyển tiền từ phía nhà tài trợ với cô và các vận động viên chỉ bằng miệng và giấy viết tay, chứ hai bên chưa ký vào bất kỳ hợp đồng nào. Sau khi nhận tiền lót tay, cô trò Kim Huệ mới biết không thể đầu quân cho Vĩnh Phúc vì đã có tên trong danh sách đăng ký thi đấu của NHCT.

"Do không thanh lý được hợp đồng với NHCT, chúng tôi có làm việc với nhà tài trợ đội Vĩnh Phúc để thông báo tình hình. Tôi và các VĐV đã hoàn trả tiền, cũng chưa ký bất cứ hợp đồng nào mà chỉ giao dịch bằng lời nói và văn bản viết tay. VFV chỉ nghe phản ánh từ một phía và đưa ra kỷ luật", Kim Huệ cho biết.

Duy Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kim-hue-thieu-minh-bach-khi-nhan-tien-lot-tay-truoc-post1209166.html