Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng 5 lần so với thời điểm chính thức gia nhập WTO
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay đã tăng 5 lần so với thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay đã tăng 5 lần so với thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Đây là thông tin được đưa ra tại Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2019 (TPR) trong khuôn khổ WTO được diễn ra vào ngày 27/4 tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bên cạnh đàm phán và giải quyết tranh chấp, công tác rà soát chính sách thương mại là một trong ba cột trụ của WTO, được tiến hành định kỳ đối với tất cả các thành viên. Các mục tiêu bao gồm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của hệ thống thương mại đa biên bằng cách tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại của các thành viên. Theo quy định hiện hành của WTO, Việt Nam nằm trong số các thành viên phải rà soát chính sách thương mại với chu kỳ 7 năm/lần. Phiên rà soát chính sách thương mại lần đầu tiên của Việt Nam đã diễn ra vào năm 2013 tại Geneva, Thụy Sỹ.
Phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 của Việt Nam diễn ra trực tuyến vào ngày 27 và 29/4 tại Hà Nội, Việt Nam. Việc rà soát chính sách thương mại bao gồm bốn tiêu đề lớn: (i) đánh giá tổng quan chung về chính sách thương mại và tình hình thực hiện của nước thành viên; (ii) các nội dung về nhu cầu kinh tế và phát triển rộng lớn hơn, bao gồm cả môi trường bên ngoài; (iii) tác động của các chính sách và thông lệ thương mại của nước thành viên đối với hoạt động của hệ thống thương mại đa phương; và (iv) các ý kiến nhận xét chung theo cách đánh giá.
Tại phiên rà soát chính sách thương mại lần thứ 2 này, về phía Việt Nam, phiên TPR do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì với sự tham gia của các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác cùng các cán bộ phái đoàn tham dự từ đầu cầu Geneva, Thụy Sỹ.
Về phía WTO, phiên họp do bà Athaliah Lesiba Molokomme, Đại sứ Botswana, chủ trì. Trong bài phát biểu khai mạc, bà Lesiba Molokomme đánh giá cao các thành tựu kinh tế mà Việt Nam đã đạt được, đồng thời đánh giá cao việc Việt Nam đã trả lời phần lớn trong số 850 câu hỏi từ 31 thành viên WTO trong thời gian ngắn.
Thay mặt đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã phát biểu nêu bật những kết quả rất tích cực và nổi trội của Việt Nam kể từ phiên TPR lần đầu vào năm 2013, bao gồm các kết quả về xuất nhập khẩu, tăng trưởng và cải cách kinh tế, cũng như định hướng xây dựng và thực thi chính sách liên quan đến thương mại trong thời gian tới.
Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay đã tăng 170 lần so với thời điểm Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới vào năm 1986, tăng 37 lần so với thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995, và tăng 5 lần so với thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào năm 2007.
Báo cáo Rà soát Thống kê Thương mại Thế giới năm 2020 của WTO cũng ghi nhận , trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019. Những con số này cho thấy độ mở của nền kinh tế Việt Nam cũng như tính nghiêm túc trong việc thực thi các cam kết quốc tế kể từ khi gia nhập WTO.
Các thành viên WTO cũng đã có bài phát biểu ghi nhận sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn rà soát, cũng như đưa ra các câu hỏi về môi trường kinh tế Việt Nam, thể chế thương mại và đầu tư, các chính sách thương mại về quy định hải quan, thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, phòng vệ thương mại...
Đối với các nội dung trên, tại phiên TPR, Việt Nam đã giải đáp, cung cấp thêm thông tin cho các thành viên WTO để từ đó nắm được bức tranh đầy đủ và toàn cảnh hơn về những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế gắn với việc thực thi đầy đủ và tuân thủ các cam kết quốc tế.