Kim Sơn: Khẩn trương khắc phục diện tích lúa đông xuân bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại

Thời gian qua, do rét đậm, rét hại liên tục, nhiều diện tích lúa đông xuân của huyện Kim Sơn đã bị ảnh hưởng, cục bộ một số ruộng không có khả năng hồi phục, phải gieo cấy lại.

Nông dân HTX nông nghiệp Tân Thành, xã Tân Thành lấy nước chuẩn bị gieo sạ lại các diện tích lúa bị chết do rét đậm, rét hại.

Nông dân HTX nông nghiệp Tân Thành, xã Tân Thành lấy nước chuẩn bị gieo sạ lại các diện tích lúa bị chết do rét đậm, rét hại.

Cánh đồng xóm 12, xã Định Hóa, ông Nguyễn Văn Thức đang lấy nước vào ruộng đồng thời san lại những chỗ không bằng phẳng. Dừng tay, ông chia sẻ: Biết rét nhưng giống ngâm rồi không xuống không được. 8 sào Bắc Thơm này tôi gieo ngày 17/2, thì hơn 1 ngày sau rét đậm, rét hại tràn về. Mấy hôm rồi nắng ấm ra kiểm tra đồng ruộng thì tá hỏa, khoảng một nửa diện tích bị chết. Hôm qua vợ chồng tôi đành bỏ hơn chục kg giống ra để ngâm ủ, 3-4 hôm nữa gieo bù lại. Tính ra mỗi sào ruộng lại mất ngót 100 nghìn đồng cho giống, phân bón, thuốc BVTV, đó là chưa kể công sức khắc phục…

Ông Phạm Văn Mưu, Phó Giám đốc HTX Định Hóa (xã Định Hóa) cho biết: Vụ này, toàn HTX gieo cấy hơn 400 ha lúa, trong đó 90% diện tích áp dụng phương pháp gieo sạ còn lại là cấy. Bà con xuống giống tập trung từ ngày 12-17/2, ngay giáp đợt mưa rét nên nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng, cây lúa táp lá, sinh trưởng phát triển kém.

Cục bộ tại một số ruộng gieo cấy từ ngày 15/2 trở đi đã bị trôi mộng mạ, chết rét, diện tích này chiếm khoảng 40%, chủ yếu ở các xóm 11,12. Hiện HTX đang khẩn trương đưa nước vào các kênh mương để bà con chủ động bơm tát vào ruộng của từng gia đình; cũng như tuyên truyền hướng dẫn nhân dân ngâm ủ giống xạ bổ sung các diện tích bị thiệt hại, đảm bảo khung lịch thời vụ tốt nhất.

Tại HTX nông nghiệp Tân Thành, xã Tân Thành, khoảng trên 40% trong tổng diện tích 277,5 ha lúa đông xuân cũng đã bị chết rét.

Ông Vũ Văn Lân, Giám đốc HTX thông tin: Hai hôm nay, Hội đồng Quản trị HTX chia 2 đoàn đi kiểm tra các cánh đồng để đánh giá mức độ thiệt hại, phân loại diện tích nào còn khả năng phục hồi, diện tích nào phải gieo lại. Từ đó hướng dẫn bà con các biện pháp xử trí phù hợp.

Nhìn chung nguồn lúa giống, mạ dự phòng trong nhân dân vẫn còn. Về nguồn nước từ khi Âu Kim Đài đi vào hoạt động, việc lấy nước rất thuận lợi nên việc khắc phục thiệt hại sẽ không gặp nhiều khó khăn.

Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp kiểm tra tình trạng lúa gieo xạ tại HTX Định Hóa (xã Định Hóa) để có biện pháp khắc phục phù hợp.

Theo phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn, vụ đông xuân 2021-2022, toàn huyện có kế hoạch gieo cấy hơn 8 nghìn ha lúa, trong đó toàn bộ diện tích cấy ở trà xuân muộn, với 95% là các giống thuần, chất lượng cao.

Về cơ bản, đến ngày 20/2, các địa phương đã cơ bản gieo cấy xong. Tuy nhiên, sau đó, nhiều ngày có rét đậm, rét hại, có những thời điểm nhiệt độ xuống dưới 100C khiến một số diện tích lúa cấy và sạ bị thiệt hại phải gieo cấy lại. Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ra công văn về việc khắc phục.

Theo đó, yêu cầu UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các HTX Nông nghiệp đôn đốc, hướng dẫn nông dân kiểm tra lại diện tích lúa đã gieo cấy, xác định mức độ thiệt hại để tổng hợp báo cáo và đưa ra các biện pháp khắc phục cho phù hợp.

Đối với diện tích bị thiệt hại dưới 70% thì cấy dặm bằng mạ dự phòng cho đủ mật độ; đối với những diện tích bị thiệt hại từ 70% trở lên thì tiến hành gieo sạ lại bằng những giống ngắn ngày để đảm bảo thời vụ. Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện điều tiết nước; tính toán đóng, mở các cống nội đồng hợp lý để đảm bảo phục vụ cho những diện tích lúa phải sạ lại nhưng không được ảnh hưởng đến diện tích lúa còn lại.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn các đơn vị biện pháp kỹ thuật gieo cấy lại cho những diện tích lúa bị thiệt hại; điều tra, theo dõi diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại để thông báo cho các đơn vị phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng.

Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện thường xuyên đưa tin bài về tình hình sản xuất, các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ lúa đông xuân trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết thực hiện.

Ông Trần Văn Công, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khuyến cáo: Thời điểm này, các HTX và bà con nông dân tăng cường ra đồng kiểm tra, đánh giá cụ thể về mức độ thiệt hại. Sau đó tính toán điều tiết nước hợp lý, với diện tích gieo xạ phải đảm bảo độ ẩm, đối với diện tích cấy cần giữ mực nước khoảng 2-3 cm.

Các diện tích có tỷ lệ chết cao, bà con chủ động ngâm ủ thóc giống để khi thời tiết ấm lên thì tiến hành gieo bổ sung. Nên sử dụng các giống lúa ngắn ngày ở trà xuân muộn như Bắc thơm 7, Khang dân 18…

Đặc biệt, hiện nay bà con không nên bón đạm ngay mà dùng lân để kích thích sự ra rễ, chờ khi nào lúa ra rễ trắng, sinh trưởng bình thường, lá bắt đầu xanh trở lại thì mới bón đạm. Lưu ý, phải chăm bón đầy đủ, cân đối, tập trung, tránh bón phân lai rai, để tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh sớm, tập trung.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/kim-son-khan-truong-khac-phuc-dien-tich-lua-dong-xuan-bi-anh/d20220225153757882.htm