Kinh doanh 'hoài niệm'

Thông tin tỉnh Quảng Ninh dự kiến khôi phục hoạt động của phà Bãi Cháy khiến một số người từng gắn bó với hoạt động của bến phà tồn tại hơn nửa thế kỷ hào hứng.

Một góc “cà phê bao cấp”. Ảnh: A+ cà phê

Một góc “cà phê bao cấp”. Ảnh: A+ cà phê

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, việc khôi phục hoạt động của các chuyến phà Bãi Cháy xưa sẽ tạo thành sản phẩm du lịch kết nối hai bờ vịnh Cửa Lục và dọc tuyến giao thông đang có. Khách du lịch được trải nghiệm đi phà từ Bãi Cháy sang tham quan khu vực Hòn Gai và ngược lại. Tuyến phà sẽ chạy thử nghiệm trở lại trong năm 2024.

Trên fanpage Facebook Du lịch Hạ Long, nhiều người đã bày tỏ sự hào hứng trước thông tin nói trên. “Năm 1982, tôi đóng quân ở Tiên Yên, Ba Chẽ. Mỗi lần về phép đi qua những phà Bãi Cháy, phà Rừng, phải đợi cả tiếng đồng hồ. Bây giờ sướng thật”, tài khoản Trần Quảng bình luận.

“Có những mối tình. Có những cuộc chia ly. Thoáng nhân sinh mà ta đã già rồi”, một người khác viết. Nhiều người khác bày tỏ những kỷ niệm, những mảnh ký ức của họ gắn với phà Bãi Cháy.

Phà Bãi Cháy, theo nhiều tài liệu, là một địa danh lịch sử. Ngày 25/4/1955, nơi đây chứng kiến thời khắc kết thúc 72 năm chiếm đóng của thực dân Pháp khi tên lính viễn chinh cuối cùng bước xuống tàu rút khỏi Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, không quân Mỹ đã đánh phá trên 70 trận, sử dụng hàng nghìn quả tên lửa và 534 quả bom các loại ném xuống khu vực bến phà Bãi Cháy, nhằm chia cắt hoạt động vận chuyển vũ khí và hành khách.

Ngày 2/12/2006, phà dừng hoạt động sau 51 năm, khi cầu Bãi Cháy hoàn thành. Cách nay gần 10 năm, từ 25/8 - 5/9/2014, Tập đoàn Tuần Châu được UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép chạy thử nghiệm lại tuyến phà này nhằm giúp du khách, người dân trải nghiệm, nhớ lại những ký ức đẹp về một bến phà anh hùng và một sản phẩm độc đáo của Hạ Long. Sau 12 ngày thử nghiệm, phà Bãi Cháy chạy 236 chuyến và phục vụ gần 4 vạn lượt khách.

Khôi phục một tuyến phà lịch sử để thu hút du khách có thể khiến một số người ngạc nhiên, nhưng đây không phải là ý tưởng mới mẻ trên thế giới. Trong hơn 40 năm qua, khái niệm du lịch hoài niệm (nostalgia tourism) đã dần trở nên phổ biến.

Nostalgia tourism là loại hình du lịch tập trung vào việc gợi nhớ về quá khứ. Loại hình du lịch này thường liên quan đến việc tham quan các địa điểm, di tích lịch sử, hoặc trải nghiệm các hoạt động văn hóa truyền thống, lịch sử. Ngoài nostalgia tourism, người ta còn đưa ra một số khái niệm khác, nhưng nội hàm gần như tương đương: heritage tourism (du lịch di sản); historical tourism (du lịch lịch sử); retro tourism (du lịch quay về quá khứ)…

Các sản phẩm cụ thể của loại hình du lịch hoài niệm này thường là tham quan di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa truyền thống, đi tàu cổ, nghỉ tại khách sạn cổ, tham dự lễ hội cổ truyền…

Phà Bãi Cháy thời điểm cầu cùng tên chuẩn bị hợp long.

Phà Bãi Cháy thời điểm cầu cùng tên chuẩn bị hợp long.

Nhưng hoài niệm là gì và vì sao chúng ta hay hoài niệm?

Nói một cách đơn giản, hoài niệm là sự khao khát tình cảm liên quan đến quá khứ, Tiến sĩ Clay Routledge, nhà tâm lý học hiện sinh người Mỹ nghiên cứu về hoài cổ, cho rằng đó là cảm xúc mà chúng ta có được khi nghĩ về những ký ức đầy ý nghĩa trong thời thơ ấu, thường là về những người mà chúng ta quan tâm.

Cảm giác buồn vui lẫn lộn đó có thể khiến ta xúc động phát khóc. Bạn không phải khóc vì những ký ức đã kết thúc, mà là mỉm cười vì nó đã diễn ra. Do tâm lý hoài cổ có thể khá dễ chịu, nhưng sự tấn công dữ dội của văn hóa hoài cổ có thể khiến người ta thắc mắc: Tại sao chúng ta lại bị ám ảnh bởi những điều cũ kỹ? Và ngoài ra, tại sao tôi lại sẵn sàng dành thời gian và tiền bạc của mình cho chúng?

Tiến sĩ Routledge cho rằng sự nhớ nhung là một bản năng. Cảm giác hoài niệm xuất hiện vô thức, khi những điều trong cuộc sống hàng ngày gợi cho chúng ta nhớ về quá khứ. Bạn có thể thấy những bức ảnh thời đại học bỗng một ngày hiện lên trên Facebook của mình, hoặc nghe một đoạn nhạc gợi nhớ đến những buổi nhảy nhót nô đùa đẫm mồ hôi ở trường cấp 2.

Theo nhà nghiên cứu Routledge, hoài niệm cũng là cách con người phản ứng với những khoảnh khắc, giai đoạn khó khăn. Chẳng thế mà nhiều người vẫn thường nhắc, hoặc kể về giai đoạn vất vả, đói rách nhất của cuộc đời, với một thái độ bình thản, thậm chí còn “vui vui”.

Hơn thế, sự hoài niệm rất dễ dàng chia sẻ, nhất là với những người cùng thời. Ngoài ra, loại tình cảm này có tính lây lan rất mạnh. Tiến sĩ Routledge giải thích: Nghe những câu chuyện hoài niệm của người khác khiến chúng ta cảm thấy hoài niệm. Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy rằng việc nghe và đọc những câu chuyện tình cảm của người lớn tuổi khiến người trẻ cảm thấy hoài niệm hơn.

Theo một bài viết trên tandfonline.com, trang web của Taylor & Francis, nhà xuất bản hàng đầu trên thế giới về khoa học, kỹ thuật, y học và khoa học xã hội, trong gần 300 năm qua, khái niệm hoài cổ đã được coi là một “tình trạng y tế”, là bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Tuy nhiên, kể từ những năm 1980, khái niệm này ngày càng gắn liền với “ngành công nghiệp di sản” và việc tạo ra trải nghiệm của khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và giải trí. Khai thác nỗi hoài niệm là một hướng đi quan trọng của du lịch và dịch vụ.

Ngay tại Hà Nội, không thiếu những ví dụ về sự nhớ nhung, hoài niệm quá khứ, cho dù quá khứ ấy huy hoàng hay đau buồn, khổ ải. Trong vòng 10 năm trở lại đây, ở Thủ đô rộ lên trào lưu quán cà phê bao cấp, triển lãm thời bao cấp, thời của tem phiếu, của nhà tập thể.

Các quán cà phê hoài niệm đó, có thể mang đích danh “cà phê bao cấp” như ở đường Trần Thủ Độ, quận Hoàng Mai, hay có thể mang những tên gọi khác, nhưng đều là những cái tên với ý niệm gợi nhớ một thời kỳ trong quá khứ, khi đất nước còn chìm trong khó khăn kinh tế, lạc hậu, trì trệ.

Cà phê Xoan nằm trong một con ngõ nhỏ gần đường Trường Chinh (Hà Nội) có nhiều khách quen, như lời chủ quán. Toàn bộ bàn ghế, bóng đèn điện, vật dụng như quạt, ti vi... đều cũ kỹ, đưa khách trở về một góc Hà Nội thời bao cấp.

Ông Mai Trung Tính, 67 tuổi, khách quen của quán Xoan cho biết mỗi tuần ông đến quán 2 - 3 lần. “Ngồi nhâm nhi cà phê trong khung cảnh xưa như thế này cũng rất thú vị. Cũng là để nhớ về một thời khó khăn. Bây giờ ở đâu có quán bán món bánh bột bo bo hay cơm độn (những món ăn thời bao cấp), tôi sẽ dẫn cháu tới ăn cho biết ngày xưa ông bà đã sống như thế nào”, ông Tính nói.

Có những quán chỉ nghe tên đã thấy cái gì đó “ngày xưa” như Cà phê Xí nghiệp ở Văn Quán, Hà Đông. Có lẽ “làm ăn” được, sau này người ta mở thêm Cà phê Xí nghiệp 2 ở ngõ 210 Đội Cấn, Ba Đình.

Cà phê Nhà kho 247 ở khu đô thị Văn Quán, Hà Đông được lấy ý tưởng làm từ nhà kho, đúng như tên gọi, mang hơi hướm cũ kỹ, bụi bặm với ghế đẩu, đệm chăn con công, đèn chụp, sách báo, tranh ảnh, tem phiếu, chiếu bánh xe hay bồn tắm cũ...

Không chỉ có cà phê bao cấp, Hà Nội còn có “phở xếp hàng”, gợi nhớ cảnh thường thấy thời của những năm 70, 80 của thế kỷ trước, khi chế độ mua bán bằng tem phiếu được áp dụng ở nước ta, đặc biệt là tại các thành phố lớn miền Bắc.

Tuy nhiên, hoài niệm là một chuyện, nhưng kinh doanh dựa vào thứ tình cảm phổ biến ấy có thành công hay không lại là chuyện khác. Từ ý niệm khôi phục phà Bãi Cháy đến biến hoạt động này thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, bền vững là một chặng đường dài với bao nhiêu vấn đề đặt ra cho nhà đầu tư. Người ta đặt vấn đề tiền ở đâu để làm, thu có đủ bù chi, nếu chỉ chạy phà để phục vụ giao thông và kết hợp du lịch giản đơn thì chắc chắn lỗ…

Nhưng ít nhất, đối với những “nhà hoài niệm”, ý tưởng khôi phục phà Bãi Cháy cũng nhen lên hy vọng “từ những ý tưởng đơn giản ban đầu sẽ có doanh nghiệp bắt tay vào phát triển và đưa phà hoạt động trở lại vào một ngày không xa”, như lời admin của fanpage Du lịch Hạ Long.

NGUYỄN XUÂN THỦY

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kinh-doanh-hoai-niem-10274802.html