Kinh doanh thua lỗ, chi phí lãi vay tăng lên 70,6 tỷ Fecon (FCN) vẫn liên tiếp trúng 5 gói thầu hơn 500 tỷ

Dù kinh doanh Quý 2 thua lỗ, áp lực từ chi phí lãi vay tăng lên 70,6 tỷ nhưng Fecon (FCN) vẫn trúng 5 gói thầu với tổng giá trị hơn 500 tỷ đồng.

Fecon (FCN) trúng liên tiếp 5 gói thầu với tổng giá trị hơn 500 tỷ đồng trong tháng 7 dù kinh doanh ảm đạm

CTCP Fecon (Mã FCN) có tiền thân là CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm Fecon, thành lập từ năm 2004. Lĩnh vực hoạt động chính là xây dựng công trình, chuyên ngành nền móng và công trình ngầm.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kết quả kinh doanh Fecon cho thấy sự ảm đạm khi sụt giảm cả về quy mô doanh thu lẫn lợi nhuận mang về. Tuy nhiên công ty vẫn liên tiếp trúng nhiều gói thầu lớn bất chấp tình hình kinh doanh khó khăn cùng điều kiện kinh tế vĩ mô nhiều biến động.

Chỉ tính riêng trong tháng 7, Fecon đã trúng 5 gói thầu với tổng giá trị hơn 500 tỷ đồng. Bao gồm: Gói thầu thiết kế và thi công hạ tầng thuộc Dự án TH Healthcare trị giá 172,8 tỷ; gói thầu thi công cọc đại trà tường vây và Kingpost thuộc Dự án Khu dịch vụ du lịch ven sông Hàn trị giá 75,9 tỷ; Dự án Tòa nhà văn phòng Betrimex trị giá 44,8 tỷ; Dự án Đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối xã Tiên Hiệp, Phủ Lý, Hà Nam trị giá 65 tỷ đồng; Gói thầu Sản xuất khối neo trọng lực cho Dự án điện gió ngoài khơi thuộc vùng biển Malaysia trị giá 178,6 tỷ đồng.

Điều đáng nói đó là Fecon vẫn liên tục trúng thầu nhận các dự án mới dù tình hình kinh doanh đang có dấu hiệu đi xuống trong nửa đầu năm 2023. Thậm chí công ty còn thua lỗ ngay trong Quý 2 với chi phí lãi vay tăng mạnh gây áp lực lớn lên doanh thu.

Lợi nhuận Quý 2 sụt giảm, thua lỗ do chi phí lãi vay tăng mạnh

Tình hình kinh doanh ảm đạm của Fecon đã bắt đầu diễn ra từ Quý 1/2023. Tại Quý 1, Fecon ghi nhận doanh thu đạt 609,1 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 2,8 tỷ đồng. Dù có tăng so với cùng kỳ nhưng nếu so sánh với Quý 4 ngay trước đó thì lãi sau thuế của Fecon đã giảm đi tới 17,6 lần.

Bước sang Quý 2/2023, FECON đạt doanh thu 674 tỷ đồng giảm 35,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó giá vốn chiếm tỷ trọng lớn với 549 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 124,9 tỷ, biên lợi nhuận gộp 18,5 tỷ đồng.

 Nợ vay ngắn hạn của Fecon (FCN) tăng 250 tỷ, thua lỗ trong Quý 2 (Ảnh TL)

Nợ vay ngắn hạn của Fecon (FCN) tăng 250 tỷ, thua lỗ trong Quý 2 (Ảnh TL)

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ đạt 5,2 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ. Đáng chú ý đó là chi phí tài chính tăng lên 71,7 tỷ đồng. Chủ yếu trong đó là chi phí lãi vay với 70,6 tỷ đồng, tăng 33,7 % so với cùng kỳ. Điều này cho thấy công ty đang tăng cường vay nợ khiến lãi vay phải trả tăng mạnh.

Chi phí bán hàng được tiết giảm trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng, lần lượt ghi nhận ở 5 tỷ và 49,5 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các loại chi phí và thuế, công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế 1,4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông thiểu số là âm 11,6 tỷ trong khi cổ đông công ty mẹ vẫn đang lãi 10,1 tỷ đồng trong Quý 2.

Tổng nợ vay cao gần bằng vốn chủ, nợ vay ngắn hạn tăng 250 tỷ trong 6 tháng đầu năm

Vấn đề mà Fecon gặp phải không chỉ đến từ kết quả kinh doanh mà cả trong cơ cấu tài sản của công ty. Tại thời điểm cuối Quý 2/2023, tổng tài sản của FCN đạt 7.681,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,3% so với thời điểm đầu năm.

Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền đang chiếm 273,5 tỷ đồng. Công ty nắm giữ thêm 14 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng. Các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng chiếm 1.734,5 tỷ đồng, các khoản phải thu khó đòi chiếm gần 3,9 tỷ đồng. Hàng tồn kho trong kỳ cũng tăng nhẹ lên 1.738,7 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nguồn vốn của Fecon, nợ phải trả đang chiếm tỷ trọng lớn tới 55,7% tương đương 4.279,7 tỷ đồng. Đáng chú ý đó là khoản vay nợ và thuê tài chính ngắn hạn chiếm 2.018,2 tỷ đồng, tăng tới hơn 250 tỷ so với đầu năm.

Các khoản nợ vay tài chính dài hạn cũng đang chiếm 944 tỷ đồng, cao hơn 3 tỷ đồng so với đầu kỳ. Tổng các khoản nợ vay cả ngắn hạn và dài hạn của Fecon hiện đang chiếm 2.962,2 tỷ đồng, gần cao bằng vốn chủ sở hữu. S

Việc lượng nợ vay tăng thêm trong kỳ cũng một phần lý giải cho áp lực về chi phí lãi vay tăng lên tới hơn 70,6 tỷ đồng chỉ tính riêng trong Quý 2.

Về hoạt động lưu chuyển tiền tệ, trong 6 tháng đầu năm 2023, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Fecon âm tới 122,9 tỷ đồng, cho thấy công ty đang thu từ hoạt động kinh doanh không đủ bù chi. Khoản chi tiền mặt lớn nhất trong kỳ phải kể đến chính là khoản chi tiền lãi vay đã trả trong kỳ, lên tới 137,1 tỷ đồng. Một lần nữa, lãi vay lại trở thành vấn đề hiện hữu trên BCTC của FECON.

Bích Diễm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-doanh-thua-lo-chi-phi-lai-vay-tang-len-706-ty-fecon-fcn-van-lien-tiep-trung-5-goi-thau-hon-500-ty-post262428.html