Kính gửi cụ Nguyễn Du

Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân/Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều.../Hỡi lòng tê tái thương yêu/Giữa dòng trong đục, cánh bèo lênh đênh...

Ngổn ngang bên nghĩa bên tình

Trời đêm đâu biết gửi mình nơi nao?
Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào
Đành như thân gái sóng xao Tiền Đường!

Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương:
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng...
Nhân tình, nhắm mắt chưa xong
Biết ai hậu thế, khóc cùng Tố Như?

Mai sau, dù có bao giờ...
Câu thơ thuở trước, đâu ngờ hôm nay!

Tiếng đàn xưa đứt ngang dây
Hai trăm năm lại càng say lòng người

Trải bao gió dập sóng dồi
Tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha
Đau đớn thay phận đàn bà
Hỡi ôi, thân ấy biết là mấy thân!

Ngẫm xem qua kiếp phong trần
Đời vui nay đã nửa phần vui đây.
Song còn bao nỗi chua cay
Gớm quân Ưng Khuyển, ghê bầy Sở Khanh.

Cũng loài hổ báo ruồi xanh
Cũng phường gian ác hôi tanh hại người!
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời nghìn thu.

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.
Hỡi người xưa của ta nay
Khúc vui xin lại so dây cùng Người!

Sông Lam nước chảy bên đồi
Bỗng nghe trống giục ba hồi gọi quân...

1-11-1965

(Tập thơ “Ra trận”, Nhà xuất bản Văn học, 1972)

TỐ HỮU

Dấu ấn của một thời khó quên

Theo văn bản, ta thấy nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ này ngày 1-11-1965, với câu thơ mở đầu “Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân” đủ xác định thời gian và không gian sáng tác của bài thơ này rất rõ ràng. Ấy là vào những ngày cả nước có chiến tranh, miền Bắc đã bước vào năm thứ hai chống cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chiến sự đặc biệt ác liệt là từ Thanh Hóa vào đến Quảng Bình, Quảng Trị. Chỉ cần nắm được như thế là ta có thể dễ dàng hiểu được những gì bài thơ chuyển tải đến cho người đọc.

Đó trước hết là nhân đi trên quê hương Nguyễn Du, nhớ đến thi hào dân tộc và tác phẩm bất hủ “Truyện Kiều”, nhà thơ bày tỏ nỗi thương cảm với cuộc đời và cảnh sống vô cùng buồn đau, tủi nhục của nàng Kiều với những: Ngổn ngang bên nghĩa bên tình/ Trời đêm đâu biết gửi mình nơi nao?/ Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào/ Đành như thân gái sóng xao Tiền Đường!

Và cùng với nỗi thương cảm nàng Kiều, tác giả cũng vô cùng cảm thông với nỗi niềm chua xót của đại thi hào, người đã gửi gắm tâm sự của mình vào nhân vật do chính mình sáng tạo ra, những tâm sự u uất của một thời nhiễu nhương tao loạn: Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương:/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.../ Nhân tình, nhắm mắt chưa xong/ Biết ai hậu thế, khóc cùng Tố Như?

Và từ câu chuyện cũ của cha ông ấy, nhà thơ liên hệ ngay đến cuộc sống lúc bấy giờ: Mai sau dù có bao giờ/ Câu thơ thuở trước đâu ngờ hôm nay/ Tiếng đàn xưa đứt ngang dây/ Hai trăm năm lại càng say lòng người... Năm 1965 là kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du, năm cả thế giới tôn vinh đại thi hào dân tộc, phong tặng ông là Danh nhân văn hóa thế giới. Tôi còn nhớ như in như vậy. Cuộc sống trên đất nước ta đã thay đổi căn bản, từ nô lệ mất nước chuyển sang độc lập tự do và đang chiến đấu để giành lấy độc lập tự do cho cả một đất nước thống nhất.

Ta chú ý đến những câu thơ: Ngẫm xem qua kiếp phong trần/ Đời vui nay đã nửa phần vui đây/ Song còn bao nỗi chua cay/ Gớm quân Ưng Khuyển, ghê bầy Sở Khanh/ Cũng loài hổ báo ruồi xanh/ Cũng phường gian ác hôi tanh hại người. Vâng, “nửa phần” vui thôi, vì trước mắt bọn giặc đang từng giờ từng phút mang bom đạn đến gieo chết chóc, giáng đau thương xuống đầu nhân dân ta, cuộc chiến đấu của chúng ta với cái ác đang vô cùng quyết liệt.

Tuy nhiên, thời thế đã khác, dù còn muôn vàn khó khăn, ác liệt nhưng chúng ta đã trở thành người làm chủ vận mệnh của mình, chúng ta đã cầm súng đứng lên và tiến hành cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù với niềm tin nhất định chúng ta sẽ chiến thắng, như lời Bác Hồ đã thay mặt toàn dân ta nói với thế giới. Chính vì vậy chúng ta vẫn vô cùng vui mừng để thưa với người xưa: Hỡi người xưa của ta nay/ Khúc vui xin lại so dây cùng Người!

Và hai câu thơ kết vang lên như hiệu lệnh xuất quân của chúng ta tiến vào trận đấu quyết chiến quyết thắng trước quân thù: “Sông Lam nước chảy bên đồi/ Bỗng nghe trống giục ba hồi gọi quân”.

Hào sảng vô cùng là những lời mà chúng ta trân trọng thưa với người xưa.

Bài thơ ấm áp và hào hùng này quả đúng là lời của thời đại chúng ta ngày ấy gửi đến đại thi hào dân tộc như một lời tưởng nhớ, tri ân và lời thề của cả dân tộc khi đi vào cuộc chiến đấu mới.

Xin được nói thêm: Bài thơ này viết năm chúng ta kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du và năm nay chúng ta kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào, khoảng thời gian tròn đúng 55 năm tại thế của Nguyễn Du (1765-1820). Với cá nhân tôi, chính cái năm 1965 ấy, khi tôi đang dạy học ở Thanh Hóa, gần với trận địa ác liệt Hàm Rồng, tôi cũng đã viết hai bài thơ về Nguyễn Du và “Truyện Kiều” với tâm thế cũng suy ngẫm từ quá khứ, vượt qua khó khăn ở hiện tại, hướng về ngày mai tươi sáng. Xin giới thiệu với bạn đọc một trích đoạn trong bài thơ “Bút ký đọc Kiều trên trận địa” viết ngày 5-10-1965:

...Kỳ diệu sao những dòng thơ đã dạy ta khắc sâu thù hận

Còn nhắc ta phải biết thương yêu,

Ta bỗng hiểu vì sao Lý Tự Trọng

Trong xà lim án chém vẫn ngâm Kiều.

Và bỗng hiểu vì sao giữa những ngày khói lửa

Cả loài người lại kỷ niệm Nguyễn Du.

Nhà thơ ơi, có cần chi “tam bách dư niên hậu”

Thế gian này mới “khóc Tố Như”!

Không! Tất cả chúng tôi đều hiểu lắm

Có thơ Kiều trong họng súng chĩa lên không,

Những thế hệ mang Kiều đi chiến đấu

Chí vươn cao như chín mươi chín đỉnh non Hồng!

Nhà thơ ANH NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/kinh-gui-cu-nguyen-du-639784