Kinh nghiệm chuẩn bị ứng phó động đất từ Đài Loan

Tờ The New York Times giới thiệu loạt biện pháp Đài Loan đã thực hiện từ trước để giảm thiểu thương vong khi động đất mạnh ập đến.

Sáng 3.4 vừa qua, Đài Loan hứng chịu trận động đất mạnh 7,4 độ richter khiến thành phố Hoa Liên nằm ở duyên hải miền đông rung chuyển. Trong 24 giờ tiếp theo có hơn 300 đợt dư chấn làm các công trình lắc lư hết lần này đến lần khác.

Nhưng đa số vẫn đứng vững. Hai công trình bị thiệt hại nặng nề nhất còn nguyên vẹn, cư dân có thể trèo cửa sổ tầng trên cao thoát ra an toàn. Đây là minh chứng cho hiệu quả loạt biện pháp chuẩn bị ứng phó động đất mà Đài Loan đã thực hiện từ trước.

Nhờ siết chặt tiêu chuẩn xây dựng, nâng cao nhận thức cộng đồng, hoạt động tìm kiếm - cứu nạn được đào tạo bài bản cộng thêm chút may mắn mà thương vong ở trận động đất mạnh nhất trong 25 năm qua tương đối thấp: tính đến ngày 5.4 có 12 người thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương, vài chục người mất tích.

Tòa nhà Uranus bị sụt lún nhưng vẫn nguyên vẹn - Ảnh: Straits Times

Tòa nhà Uranus bị sụt lún nhưng vẫn nguyên vẹn - Ảnh: Straits Times

Theo giáo sư Daniel Aldrich (Đại học Northeastern): “Ở nơi khác, trận động đất mạnh tương tự đã giết chết nhiều người hơn. Dường như đa số trường hợp thiệt mạng ở Đài Loan là do đá rơi chứ không phải nhà sập”.

Giao thông đường sắt toàn Đài Loan, gồm cả chuyến tàu đến Hoa Liên đều hoạt động trở lại vào ngày 4.4. Số công nhân mắc kẹt ở mỏ đá được trực thăng đưa ra ngoài. Đường sá bắt đầu được sửa chữa.

Tại Hoa Liên, giới chức phong tỏa khu vực quanh tòa nhà Uranus (1 trong 2 công trình bị thiệt hại nặng nề nhất). Công nhân xây dựng cố gắng ngăn công trình đang nghiêng đổ sập bằng cách đặt khối bê tông ba chân giống mảnh Lego khổng lồ rồi chất đất đá lên.

Một ngày sau khi động đất ập đến, cặp vợ chồng Chang Mei-chu và Lai Yung-chi đích thân đến xem tình hình nghiêm trọng ra sao. Ông Lai từng lắp đặt đường ống điện, nước cho nhiều tòa nhà nên nắm rõ tiêu chuẩn xây dựng. Nhà của họ nằm gần ga xe lửa Hoa Liên không bị hư hại nặng.

“Tôi không lo lắng về tòa nhà vì biết rằng đơn vị thi công chú ý đến khả năng chống chịu động đất lúc xây dựng. Tôi đã chứng kiến họ đổ xi măng gia cố. Sau mỗi trận động đất họ tiêu chuẩn lại được siết chặt hơn nữa”.

Trên các khu phố chẳng hề thấy dấu vết rõ ràng của trận động đất mới đây. Công trình cả cũ lẫn mới vẫn nguyên vẹn, cửa hàng vẫn mở cửa. Chợ ẩm thực đêm cạnh tòa nhà Uranus vô cùng sôi động vào tối 4.4.

Do nằm trên nhiều đường đứt gãy nên Đài Loan không thể tránh khỏi động đất. Hàng thập kỷ đúc kết kinh nghiệm từ vô số thảm họa, tiêu chuẩn xây dựng nghiêm ngặt cùng nhận thức cộng đồng cao giúp người dân vượt các trận động đất mạnh xảy ra thường xuyên.

Cách tòa nhà Uranus không xa, lực lượng chức năng kiểm tra một công trình bị nứt cột và kết luận ở lại bên trong rất nguy hiểm. Cư dân có 15 phút dọn càng nhiều đồ đạc càng tốt. Một số chạy ra ngoài với máy tính, vài người khác ném túi đựng quần áo ra cửa sổ nơi còn ngổn ngang kính vỡ cùng xi măng sau động đất.

Khả năng chống chịu động đất đã được Đài Loan đưa vào bộ tiêu chuẩn xây dựng từ năm 1974. Hàng thập kỷ sau đội ngũ biên soạn không ngừng tiếp thu bài học từ nhiều trận động đất lớn trên thế giới để hoàn thiện bộ tiêu chuẩn.

Năm 1999 sau khi xảy ra một trận động đất cướp đi sinh mạng 2.400 người và khiến ít nhất 10.000 người khác bị thương, Đài Loan rà soát rồi tiến hành gia cố hàng nghìn công trình. Họ tiến hành thêm một đợt rà soát nữa sau trận động đất mạnh khác năm 2018.

Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kỹ thuật động đất Đài Loan Chu Trung Triết cho biết: “Trong 20 năm qua chúng tôi đã nâng cấp hơn 10.000 tòa nhà trường hợp”. Chính quyền trong 6 năm qua còn giúp gia cố hàng loạt tòa chung cư bằng cách bổ sung thanh giằng thép và tăng kích thước cột lẫn dầm. Nhờ gia cố mà một số công trình cũ đứng vững trong trận động đất ngày 3.4 mới đây, theo ông Chu.

Giới chuyên gia cũng đánh giá rất cao năng lực cứu hộ của Đài Loan. Trong vòng 24 giờ sau khi động đất xảy ra, lực lượng tìm kiếm - cứu hộ thành công giải cứu hàng trăm người kẹt trong ô tô bị đá rơi từ cao tốc đè hay kẹt trên gờ núi ở mỏ đá. Nhà tư vấn xử lý tình trạng khẩn cấp Bruce Wong cho biết không chỉ lực lượng cứu hộ rất có chuyên môn thực hiện nhiệm vụ phức tạp, cả tình nguyện viên cũng được đào tạo kỹ lưỡng.

Toàn cộng đồng cùng chuẩn bị ứng phó là một yếu tố quan trọng khác. Cựu quân nhân Ou Chi-hu chia sẻ mọi người ở Đài Loan đều học được cách sống sót qua động đất từ thảm họa năm 1999. Họ biết nấp vào khu vực an toàn, sắm bình chữa cháy, đặt túi đựng vật dụng cần thiết bên cạnh giường.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/kinh-nghiem-chuan-bi-ung-pho-dong-dat-tu-dai-loan-215785.html