Kinh nghiệm khử carbon trong sản xuất và thương mại từ doanh nghiệp châu Âu

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) trong khu vực ASEAN. Để thích ứng với những yêu cầu khắt khe về các tiêu chí xanh, bền vững trong quá trình hợp tác phát triển kinh tế, Việt Nam đang đẩy nhanh các giải pháp giảm khí thải carbon trong sản xuất và thương mại.

Một sản phẩm thông tin của doanh nghiệp châu Âu sản xuất. Ảnh: N.Liên

Một sản phẩm thông tin của doanh nghiệp châu Âu sản xuất. Ảnh: N.Liên

Để có được những giải pháp hiệu quả và đúng các tiêu chí, Việt Nam đang tiếp tục tăng cường hợp tác, học tập kinh nghiệm phát triển xanh từ các nước EU để tạo tương lai xanh cho nền kinh tế.

Những thách thức trong hành trình đến net zero

Trong phiên thảo luận về khử carbon trong sản xuất và thương mại tại Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh GEFE 2024 vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế cho rằng, khử carbon trong sản xuất là hành trình mang nhiều thách thức và cần sự quyết tâm với khó khăn ban đầu là vấn đề tài chính. Theo các chuyên gia, từ các doanh nghiệp (DN) châu Âu, việc thu giữ và tái sử dụng carbon cần có khoản đầu tư rất lớn. Để giải bài toán về chi phí, các DN rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ hoặc các quỹ đầu tư cho các dự án.

Mặc dù có không ít khó khăn nhưng trên thực tế, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững đã và đang trở thành yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi các DN phải tham gia.

Tổng giám đốc Điều hành Boston Consuting Group (BCG) Arnaud Ginolin nhận định, nếu DN sớm tuân thủ những tiêu chí net zero sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường sang châu Âu. Hiện nay, hầu hết các DN cũng như cơ quan chức năng đều mong muốn đạt tiêu chí net zero. Tuy nhiên, để làm được điều này, DN cần tập trung vào từng lĩnh vực. Ví dụ, những DN may mặc, da giày, hay những DN đang sản xuất, xuất khẩu vào thị trường châu Âu cần được ưu tiên chuyển đổi xanh.

Chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng tiêu chí net zero vào nhà máy sản xuất, đại diện Tập đoàn Lego của Đan Mạch cho biết, khi đầu tư vào Việt Nam, Lego đã hướng tới xây dựng nhà máy có thể đạt được những mục tiêu bền vững, có thể cung cấp các sản phẩm đồ chơi dành cho trẻ em trên thế giới. Lego cho rằng, dù đã có nhà máy ở Trung Quốc nhưng Lego vẫn quyết định đầu tư vào Việt Nam và sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất. Tuy nhiên, để hình thành được công trình, Lego phải tính toán đến bài toán kinh phí và tận dụng sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam để đầu tư nhà máy sản xuất có sử dụng năng lượng xanh. Đồng thời, mong muốn đưa những năng lượng tái tạo dư vào hệ thống năng lượng quốc gia trong thời gian tới.

Tại Diễn đàn Kinh tế xanh 2024, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao BÙI THANH SƠN đề nghị EU tiếp tục duy trì vốn ODA cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực cấp thiết đối với Việt Nam như: tăng cường năng lực quản trị công, kinh tế xanh, kinh tế số và tuần hoàn. Ngoài ra, các bên tăng cường trao đổi, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế đa phương về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng và các lĩnh vực chiến lược khác.

Thay đổi tư duy trong tăng trưởng xanh

Trong quá trình chuyển đổi xanh, bền vững, DN, cá nhân ngoài việc sử dụng năng lượng mặt trời, cần tập trung về cơ sở hạ tầng. Về điều này, các chuyên gia cho rằng, DN Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm từ các nước châu Âu.

Theo Tổng giám đốc Điều hành BCG Arnaud Ginolin, trên hành trình đến với net zero, các DN rất quan tâm đến các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, nguồn vốn, tài trợ. Cùng lúc các tổ chức sẽ không thể tài trợ hết các dự án nên phải chọn những DN tiêu biểu để thực hiện trước. Đồng thời, đào tạo những nhà lãnh đạo để vận hành nhà máy không phát thải. Do đó, cần những chính sách đúng đắn, có sự hỗ trợ pháp lý cho các dự án xanh.

Theo giảng viên Đại học Genoa Alessio Tei, vấn đề cơ bản là các DN phải làm việc với nhiều ngành, Chính phủ để hiểu được làm cách nào giúp DN thực hiện net zero. Đồng thời, liên kết với các trường đại học địa phương để tìm học viên tham gia đào tạo cho nguồn nhân lực.

Trao đổi về mối quan hệ hợp tác với các nước châu Âu, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu một số nội dung trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương đi vào chiều sâu, lấy phát triển kinh tế, đặc biệt lấy kinh tế xanh làm một trong những lĩnh vực đột phá về hợp tác. Bên cạnh đó, DN cần nghiên cứu và triển khai một số dự án hợp tác về chuyển đổi xanh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh của mỗi bên. Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của EU về tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Việt Nam mong muốn EU chia sẻ kinh nghiệm về phát triển thị trường chứng chỉ carbon có kết nối với thị trường quốc tế và triển khai các dự án về hydrogen xanh.

Ngoài ra, các DN cần tăng cường hợp tác trong nghiên cứu phát triển, các DN châu Âu có thể xem xét đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như: năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, hạ tầng xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, công nghiệp phát thải thấp…

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/kinh-nghiem-khu-carbon-trong-san-xuat-va-thuong-mai-tu-doanh-nghiep-chau-au-73b07de/