Kinh nghiệm trong ứng phó với bão lụt của Truyền tải điện Quảng Bình
Truyền tải điện Quảng Bình là đơn vị trực thuộc Công ty Truyền tải điện 2 - PTC2 được giao nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện truyền tải quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Toàn bộ lưới điện đơn vị quản lý nằm xa khu dân cư, trải dài dọc dãy Trường Sơn, đi qua nhiều ao hồ, sông suối chia cắt; chịu ảnh hưởng của khí hậu miền Trung vô cùng khắc nghiệt.
Mùa hè thì nắng nóng kết hợp gió phơn Tây Nam, mùa mưa thì hứng chịu nhiều bão lụt. Do ảnh hưởng liên tiếp của áp thấp nhiệt đới và các cơn bão số 6, số 7, từ ngày 06/10 đến ngày 20/10, mưa lũ lớn diễn ra trên diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình.
Đặc biệt, tính từ 14h00 ngày 18/10 đến 6h00 ngày 19/10, lượng mưa rất lớn (khoảng 600-700mm) đã làm ngập lụt thêm nhiều vùng trong toàn tỉnh; trong đó có lưới điện của đơn vị quản lý.
Cụ thể, đường dây 500 kV Vũng Áng - Đà Nẵng bị ngập từ 0,7 - 3,5m với 29 vị trí; Đường dây 500 kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh bị ngập từ 1,3 - 2,7m với 30 vị trí; Đường dây 220 kV Vũng Áng - Ba Đồn - Đồng Hới bị ngập 0,5m -1,7m với 28 vị trí; Đường dây 220 kV Đồng Hới - Đông Hà mạch 1 bị ngập 0,5m với 7 vị trí.
Riêng trạm biến áp (TBA) 220 kV Đồng Hới do vị trí nằm trên đồi cao nên không có hiện tượng úng ngập. Tuy nhiên với lượng mưa lớn đã gây ngập cục bộ do nước thoát không kịp. Đơn vị vận hành bơm tại hố dầu sự cố liên tục 24/24h.
Đến nay, TBA 220 kV Đồng Hới đang vận hành bình thường. Còn TBA 220 kV Ba Đồn do lương mưa trong hai ngày 18-19/10 quá lớn nên mặt bằng trạm không thoát kịp nước. Các mương cáp ngập nước, khoảng cách nước đến tủ đấu dây trong nhà Bay housing 30cm. Đơn vị đã thực hiện các giải pháp thoát nước và Trạm đảm bảo vận hành an toàn.
Để ứng phó với các tình huống thiên tai bất lợi xảy ra trong đợt mưa lũ tháng 10/2020, đe dọa đến vận hành lưới điện truyền tải quốc gia đi qua địa bàn đơn vị quản lý, Truyền tải điện Quảng Bình đã và đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp.
Theo đó, Giám đốc Truyền tải điện chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của Truyền tải điện, các đơn vị trực thuộc phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, chủ động xây dựng phương án PCTT&TKCN, xử lý sự cố lưới điện của từng đơn vị.
Bên cạnh đó, luôn giữ mối liên hệ với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Bình cũng như các huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt thông tin, tranh thủ sự giúp đỡ về phương tiện, con người khi có tình huống cần huy động. Đồng thời, liên lạc với các chính quyền các xã có tuyến đường dây đi qua, phối hợp với lực lượng hợp đồng bảo vệ đường dây trong nắm bắt thông tin trực tiếp trên tuyến.
Cùng với việc thường xuyên theo dõi, cập nhật hình ảnh từ các camera giám sát trên cột cao để nắm bắt tình hình ngập lụt trên tuyến tại những vị trí xung yếu mà không thể tiếp cận, đơn vị bố trí nhân lực Trung tâm vận hành Đồng Hới thành 2 tổ thao tác lưu động trực tiếp tại 2 Trạm biến áp để túc trực và xử lý các tình huống 24/24h.
Ngoài ra, trước lũ đơn vị đã tiến hành xử lý triệt để các cây cao ngoài hành lang có nguy cơ gãy đổ vào đường dây khi có giông lốc hoặc gió to. Tại các trụ sở Văn phòng truyền tải, Đội, Trạm các đơn vị thực hiện hoàn tất các công việc: chằng néo, che chắn nhà cửa, kho tàng, phòng điều khiển; Chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu dự phòng, dụng cụ sản xuất, máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển, vật tư, thiết bị thông tin liên lạc, đảm bảo đưa vào sử dụng tốt và kịp thời; Chuẩn bị mỳ tôm, lương khô, nước uống dự phòng, các cơ số thuốc dự trử cần thiết.
Tại các Trạm biến áp kiểm tra các tủ bảng ngoài trời đảm bảo độ kín, che chắn chống thấm nước vào bên trong tủ.
Các Đội đường dây nắm bắt các tồn tại các vị trí xung yếu có khả năng ảnh hưởng do mưa to, ngập lụt. Các đơn vị trực phòng chống thiên tai với 100% quân số. Lãnh đạo các đơn vị phân công trực 24/24h trong thời gian mưa lũ để kịp thời giải quyết các công việc…
Truyền tải điện Quảng Bình là đơn vị đóng quân ở địa phương có thời tiết khắc nghiệt, luôn hứng chịu nhiều bão lụt vào mùa mưa hàng năm nên đơn vị đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, cách thức tổ chức, kiểm soát, kiểm tra các tình huống khi có bão lũ nhằm giảm thiếu tối đa những thiệt hại về thiết bị, tài sản, bảo đảm an toàn tính mạng của người lao động để lưới điện truyền tải quốc gia luôn được vận hành thông suốt./.