Kinh phí thực hiện hòa giải, đối thoại tại tòa án do Nhà nước đảm bảo

Nhà nước không thu lệ phí hòa giải, đối thoại tại tòa, để thể hiện trách nhiệm của nhà nước trong việc quyết định những vấn đề bức xúc của xã hội, góp phần khuyến khích các bên sử dụng hòa giải, đối thoại tại tòa để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

Trong chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Một trong các nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là có thu phí hòa giải, đối thoại tiền tố tụng hay không.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, đối với những tranh chấp phức tạp phát sinh trong thời gian dài đã qua nhiều hình thức hòa giải, tư vấn rồi mới đến khởi kiện, khiếu kiện ra Tòa án và giai đoạn hòa giải, đối thoại, tiền tố tụng tại Tòa án đã trở thành nhiêu khê, kéo dài vụ án tranh chấp phiền hà, tốn kém thời gian, tiền bạc, chi phí của các bên.

Nhiều người e ngại nếu ta quy định không chặt chẽ thì đây là lý do kéo dài thời gian "vô phúc đáo tụng đình" của người dân khi có việc liên quan tới Tòa án, làm giảm khả năng hòa giải. Trong quy định của pháp luật tố tụng, nếu được Tòa án các cấp quan tâm thực hiện đầy đủ là bảo đảm cho việc hòa giải.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) tán thành không thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án (ảnh QH)

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) tán thành không thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án (ảnh QH)

“Trong trường hợp dự án luật này được Quốc hội thông qua, tôi tha thiết đề nghị cần phải xem xét thật kỹ về tính minh bạch của các quy định về tiêu chí, điều kiện để tiến hành giai đoạn hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Trong đó điều kiện trước tiên phải có tính nguyên tắc là có sự đồng thuận tự nguyện của các đương sự, hòa giải, đối thoại không phải là giai đoạn bắt buộc trước khi thụ lý đối với tất cả vụ việc dân sự hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân. Như vậy, đề nghị tên gọi của luật này là Luật Hòa giải, đối thoại trước tố tụng tại Tòa án, tôi xin nhấn mạnh cụm từ "trước tố tụng tại Tòa án", đại biểu nói.

Về kinh phí hòa giải, đối thoại ở Tòa án, đại biểu nhất trí quy định kinh phí hoạt động như trang bị điều kiện làm việc, chi phí cho hòa giải viên, nhân viên phục vụ phải do nhà nước bảo đảm.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) tán thành phương án nhà nước không thu lệ phí hòa giải, đối thoại tại tòa, để thể hiện trách nhiệm của nhà nước trong việc quyết định những vấn đề bức xúc của xã hội, góp phần khuyến khích các bên sử dụng hòa giải, đối thoại tại tòa để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

Với việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện thông qua hòa giải, đối thoại, vụ việc sẽ không phải trải qua các thủ tục như sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm theo quy định của luật tố tụng, kết quả giải quyết được các bên tự nguyện thi hành và giảm áp lực cho công tác xét xử. Về mặt xã hội, tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải, đối thoại sẽ hàn gắn, khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, khiếu kiện, khuyến khích việc hòa giải tranh chấp với tinh thần thiện chí, hợp tác.

Đại biểu Bùi Huyền Mai (TP Hà Nội) cũng tán thành với loại quan điểm thứ nhất, đồng tình với phân tích của đại biểu Hoàng Văn Hùng. Việc nhà nước đảm bảo kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại là thể hiện được bản chất ưu việt của chế độ, trách nhiệm của nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề đề bức xúc của xã hội, đồng thời, cũng góp phần để khuyến khích các bên lựa chọn cơ chế sử dụng hòa giải, đối thoại tại Tòa án khi giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/kinh-phi-thuc-hien-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-do-nha-nuoc-dam-bao-171734.html