Kinh tế có thể khởi sắc hơn, nhưng tín dụng dự báo vẫn ở mức 14%

Kinh tế năm 2022 được dự báo sẽ phục hồi tốt hơn, từ đó kích thích tín dụng tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, cầu tín dụng có thể vẫn còn khá yếu, cộng với việc các ngân hàng cũng 'khó rộng lượng' để cho vay nên ít khả năng có sự bứt tốc. Các chuyên gia dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2022 sẽ vẫn ở mức tương tự như năm 2021 - khoảng 14%.

Tín dụng có thể duy trì như năm cũ

Kết quả Điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng tháng 12/2021 vừa công bố cho biết, trong năm 2021, các tổ chức tín dụng nhận định, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tăng cao hơn so với năm 2020 nhưng chưa đạt được như kỳ vọng và dự báo tiếp tục cải thiện trong quý I/2022 và cả năm 2022. Trong đó, dự báo nhu cầu tín dụng của khách hàng doanh nghiệp cao hơn khách hàng cá nhân, tín dụng ngắn hạn cao hơn tín dụng trung dài hạn, VNĐ cao hơn ngoại tệ.

Tín dụng 2022 dự báo sẽ tăng trưởng ở mức tương đương năm 2021.

Kết quả điều tra cũng cho biết, mặc dù mặt bằng rủi ro được nhận định tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2021, nhưng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, các tổ chức tín dụng đã giảm đáng kể xu hướng thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng so với 6 tháng đầu năm 2021 đối với cả 2 nhóm khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2022 và cả năm 2022, các tổ chức tín dụng dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.

Nhận định về động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, các tổ chức tín dụng cho biết, bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; xây dựng,… tiếp tục là những động lực chính của tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022.

Dự báo về tín dụng năm 2022, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 14% - tương đồng với mức mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra. “Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất và mục tiêu có thể cắt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5% - 1% trong 2 năm” – chuyên gia của SSI cho hay.

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết thêm, định hướng hỗ trợ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì trong năm 2022, tuy nhiên điều kiện khách quan không thuận lợi khi áp lực lạm phát là hiện hữu với kịch bản cơ sở lạm phát ở mức 3,8%. Do vậy, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ giữ nguyên các loại lãi suất điều hành, không có thay đổi trong kịch bản cơ sở và tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 14%, tương đương mức tăng trong năm 2021.

Lãi suất huy động có thể “nhích” tăng trong năm 2022

Chuyên gia của KBSV đánh giá, mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp, nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong năm 2022. Lý giải về nhận định này, KBSV đã đưa ra 3 nguyên nhân: Lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh; nhu cầu tín dụng phục hồi khi nền kinh tế mở cửa; chính sách tiền tệ thận trọng hơn của Ngân hàng Nhà nước. “Mức tăng nhiều khả năng sẽ tương đối thấp (trên dưới 0,5%), tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%” – chuyên gia của KBSV đưa ra con số dự báo.

Về mặt bằng lãi suất cho vay, các chuyên gia KBSV dự báo sẽ duy trì ở mức nền như hiện tại và có thể giảm nhẹ ở một số ngành ưu tiên dưới tác động của gói hỗ trợ cấp bù lãi suất của Chính phủ. Trong khi đó, các ngân hàng cũng cần duy trì một mức thu nhập lãi thuần cao để có dư địa tăng trích lập dự phòng khi các khoản nợ xấu do giãn cách xã hội dần bộc lộ trong thời gian tới.

Còn theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), năm 2022, áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu đã và đang có xu hướng tăng mạnh cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất điều hành. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất điều hành ở mức mềm mỏng hơn để vẫn có thể hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế, trước những rủi ro tiềm ẩn từ đại dịch Covid-19.

“Mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng tăng nhẹ trở lại (quanh 0,25% - 0,5%), nhất là trong nửa cuối của năm 2022” – chuyên gia của BVSC dự báo.

Các tổ chức tín dụng dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng

Mặc dù mặt bằng rủi ro được nhận định tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2021, nhưng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, các tổ chức tín dụng đã giảm đáng kể xu hướng thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng so với 6 tháng đầu năm 2021 đối với cả 2 nhóm khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân. Trong 6 tháng đầu năm 2022 và cả năm 2022, các tổ chức tín dụng dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-co-the-khoi-sac-hon-nhung-tin-dung-du-bao-van-o-muc-14-98818.html