Kinh tế Đức lung lay giữa khủng hoảng năng lượng và lạm phát

Số liệu tăng trưởng quý II/2022 của Đức, công bố ngày 29/7, dự kiến sẽ khá khiêm tốn trong bối cảnh triển vọng nền kinh tế lớn nhất châu Âu bị che mờ bởi căng thẳng Nga-Ukraine.

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà quan sát cho biết khả năng suy thoái kinh tế xảy ra trong những tháng tới ngày càng gia tăng. Toàn bộ hoạt động kinh tế của Đức đều đang được các chuyên gia đặt dấu hỏi.

*Thời kỳ năng lượng giá rẻ kết thúc

Các nhà phân tích từ Ngân hàng ING cho hay căng thẳng Nga-Ukraine đã đặt dấu chấm hết cho mô hình kinh doanh của nền kinh tế Đức, mô hình này chủ yếu dựa vào nhập khẩu năng lượng giá rẻ và xuất khẩu công nghiệp.

Khí đốt từ Nga trong nhiều thập niên qua đã góp phần vào sự thình vượng kinh tế của Đức, nhờ các hợp đồng ký kết dài hạn, qua đó chi phí sản xuất và vận chuyển rẻ hơn.

Ngành công nghiệp “tiêu thụ” 30% lượng khí đốt ở Đức. Trước khi xung đột xảy ra, hơn một nửa tổng nguồn cung đến từ Nga, con số này đã giảm xuống còn 35% vào đầu tháng 6/2022.

Để loại bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga, Đức đang tìm kiếm những nguồn cung cấp mới hơn bao gồm các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ và Qatar, cũng như đẩy nhanh sang sản xuất điện tái tạo.

Đức đang chuẩn bị chi hàng tỷ USD một lần nữa để hỗ trợ các hộ gia đình vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng sắp tới và đầu tư số tiền khổng lồ vào việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Nhà phân tích của ING cho biết "Đức sẽ cần thời gian và tiền bạc" để thực hiện "đầu tư và thay đổi cơ cấu theo quyết tâm và cam kết như đã yêu cầu từ các nước khu vực đồng euro khác trong quá khứ".

*Cú sốc lạm phát

Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở thủ đô Berlin, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN

Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở thủ đô Berlin, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN

Sau nhiều năm tăng trưởng thiếu ổn định, lạm phát đã quay trở lại với mức độ cao hơn tại Liên minh châu Âu (EU). Tại Đức, ký ức về thời kỳ siêu lạm phát những năm 1920 đã bao trùm các hộ gia đình.

Giá cả tăng đã dẫn đến tình trạng bất ổn lao động gia tăng ở Đức. Tháng Bảy đã chứng kiến cuộc đình công trong ngành công nghiệp dài nhất tại các cảng của Đức trong 40 năm và một ngày đình công của nhân viên mặt đất tại hãng hàng không Lufthansa.

Trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu vào tháng 9/2022, công đoàn IG Metall đang yêu cầu tăng lương 8% cho 3,8 triệu công nhân trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau, mức lương cao nhất kể từ năm 2008.

Bên cạnh đó, việc thiếu lao động có kỹ năng cũng đang là vấn đề đau đầu của ngành công nghiệp Đức. Marcel Fratzscher, người đứng đầu tổ chức DIW ở Berlin, cho biết Đức sẽ cần thêm 500.000 nhân viên mỗi năm trong 10 năm tới.

Nhật báo Sueddeutsche hồi đầu tháng nhận xét là một quốc gia xuất khẩu, Đức đã được hưởng lợi một cách không cân xứng từ thương mại tự do và điều đó đang trở thành mối nguy hại.

Đại dịch COVID-19 và căng thẳng Nga-Ukraine đã cho thấy những điểm yếu của các nền kinh tế mở khi chuỗi cung ứng bị đình trệ và các thành phần quan trọng trở nên khan hiếm. Đức là một trong những quốc gia chịu nhiều rủi ro nhất về logistics trong hai năm qua.

Sự phụ thuộc của Đức vào Trung Quốc cũng đang khiến các chính trị gia ở Berlin lo lắng. Hồi tháng 4/2022, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết mối quan hệ hai chiều bền chặt giữa Đức và Trung Quốc là "không lành mạnh".

Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Đức, với thương mại giữa hai quốc gia tăng trở lại 15,1% vào năm 2021.

Hãng tin AFP dẫn lời nhà kinh tế Claudia Kemfert nói rằng đó có thể là một rủi ro mới, mặc dù rủi ro này ít nghiêm trọng hơn so với sự phụ thuộc vào Nga, nhưng cần làm nhiều hơn nữa để “tập trung vào nền kinh tế trong nước và xây dựng khả năng phục hồi”./.

Minh Hằng (Theo AFP)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-duc-lung-lay-giua-khung-hoang-nang-luong-va-lam-phat/252952.html