Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững

70 năm qua, Hà Nội đã vươn lên trở thành một trong những đô thị lớn của khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Trong bối cảnh cả thế giới phải đối mặt với những thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu, thành phố tìm giải pháp tập trung phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Các diễn giả tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững”.

Các diễn giả tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững”.

Sáng 25/9, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp các đơn vị đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững”.

Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi nêu rõ, Hà Nội, trái tim của cả nước, không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa mà còn là đầu tàu kinh tế, đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước.

Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước.

6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện đạt 61,7% dự toán (tăng 12,5% so với cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu tăng 8,8%; vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 9,55% (cùng kỳ tăng 9%).

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, do đó, một nền kinh tế năng động không chỉ quan tâm đến tăng trưởng mà còn phải chú trọng phát triển bền vững, hài hòa với môi trường. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho tất cả các quốc gia trên thế giới, để làm sao đạt được các mục tiêu phát triển mà vẫn bảo vệ được tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Trước những thách thức đó, Luật Thủ đô 2024 (sửa đổi) là một công cụ pháp lý vô cùng quan trọng. Đây là nền tảng để Hà Nội khai thác tốt hơn tiềm năng của mình, tạo nên những thay đổi đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Luật Thủ đô sửa đổi đã có những giải pháp toàn diện nhằm thúc đẩy kinh tế số, phát triển năng lượng tái tạo, và xây dựng những mô hình kinh tế mới, phù hợp với xu hướng quốc tế.

Các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại tọa đàm đã cung cấp cho bạn đọc, người dân có cái nhìn tổng quan về những thành tựu phát triển kinh tế Hà Nội 70 năm qua cùng các giải pháp để kinh tế Hà Nội ngày càng phát triển bền vững,

Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, vào năm 1954, khi tiếp quản Thủ đô, Hà Nội có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 130km2. Nền kinh tế cũng khá èo uột với hơn 1.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. GDP bình quân đầu người thấp hơn so với các quốc gia chung quanh, thậm chí còn kém hơn so với nhiều tỉnh, thành phố khác.

Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ, việc đầu tiên mà Hà Nội làm được là xóa bỏ được nạn mù chữ vào năm 1957, từ đó, tạo ra được bước chuyển lớn trong lực lượng lao động thành phố cũng như nâng cao ý chí độc lập, tự cường của Thủ đô.

Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất miền bắc, cũng là hậu phương chi viện cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và trung tâm công nghiệp để hỗ trợ phát triển công nghiệp trong cả nước.

Ban tổ chức tọa đàm tặng hoa cho các diễn giả tham dự chương trình.

Ban tổ chức tọa đàm tặng hoa cho các diễn giả tham dự chương trình.

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, đến năm 1982, Hà Nội về cơ bản đã coi là hồi phục các cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế-xã hội và có những bước tiến tốt hơn.

Đến năm 1986, Hà Nội đã trở thành trung tâm đổi mới về khoa học công nghệ, cùng với đó là thay đổi về cơ chế quản lý kinh tế giúp Thủ đô Hà Nội vươn lên là một trong những điểm sáng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của cả nước.

Đến năm 1999, Hà Nội được tổ chức UNESCO vinh danh là Thành phố vì hòa bình và đến năm 2000 thì được vinh danh là Thủ đô anh hùng. Đến năm 2008, Hà Nội có bước đột phá khi mở rộng địa giới hành chính và trở thành một Thủ đô rộng lớn như hiện nay. Điều này đã khiến cơ cấu kinh tế của Hà Nội đang ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, bền vững, xanh hơn, sạch hơn.

Trong những năm gần đây, Hà Nội đã dần chuyển mình thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ cũng như là sang kinh tế xanh nhanh hơn và mạnh hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước.

TS Lê Quốc Phương đánh giá, mô hình kinh tế của Hà Nội có sự thay đổi tích cực, đó là đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn. Cùng với đó, Hà Nội phát triển những mô hình kinh tế mới trên thế giới. Hiện nay, khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm GRDP địa phương. Đây là một hướng đi khá đúng đúng đắn.

Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, và đứng thứ 15 trong danh sách các điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế).

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, năm 2023, xuất nhập khẩu của Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đưa Hà Nội lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành phố.

Để phát triển kinh tế Hà Nội tuần hoàn, bền vững, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) đề xuất, thành phố cần nghiên cứu kỹ về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và mô hình một số Thủ đô của châu Á, Bắc Âu... để đưa ra một chương trình, hình mẫu cho Thủ đô; đưa ra lộ trình cho từng ngành nghề, thông điệp rõ đến từng người dân sống, người dân làm việc tại Thủ đô để cùng thực hiện. Tới đây thành phố cần thành lập Hội đồng phát triển kinh tế-xã hội bền vững, mời các chuyên gia trong các lĩnh vực, doanh nghiệp... cùng tham gia để thực hiện. Mục tiêu phát triển kinh tế Hà Nội xứng tầm đúng vị thế, tiềm năng của Thủ đô, đúng với Nghị quyết 15- NQ/TW của Bộ Chính trị.

PGS, TS Bùi Thị An nêu nhiều giải pháp để Hà Nội phát triển kinh tế bền vững. Theo PGS, TS Bùi Thị An, trong phát triển kinh tế bền vững thì kinh tế xanh là một giải pháp. Trong kinh tế xanh có một phần quan trọng là kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn giờ đã có sự thay đổi, đó là có sự “vòng lại” để tiết kiệm nguyên liệu, tái sản xuất, khi việc tiết kiệm những nguyên liệu không thể tái tạo được có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế hiện nay.

Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường đã đề cập vấn đề kinh tế tuần hoàn, chủ trương cơ chế chính sách chung cũng đều đã có. Giờ chúng ta thực hiện như thế nào, nhất là thực hiện Luật Thủ đô ra sao là trách nhiệm của chúng ta.

Cơ chế riêng của Thủ đô cho phát triển kinh tế tuần hoàn phải được nêu ra cụ thể. Cần tạo được môi trường thuận lợi hơn về thuế, về đất, nhất là cơ chế tín dụng rất quan trọng để các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Như vậy, trước hết thành phố Hà Nội cần đưa ra được những cơ chế chính sách rất cụ thể để khuyến khích nhiều người tham gia vào kinh tế tuần hoàn, để tránh bớt rủi ro, bảo đảm được cuộc sống. Tiếp đó, thành phố tổ chức chỉ đạo thực hiện, trong đó giám sát từng công đoạn trong thực hiện kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... Trong những năm tới, Hà Nội sẽ có phát triển đột phá, đặc biệt phải phát triển bền vững với kinh tế xanh và tất cả các lĩnh vực xanh.

NGUYÊN TRANG - VIỆT HOÀNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/kinh-te-ha-noi-70-nam-vi-muc-tieu-phat-trien-tuan-hoan-ben-vung-post833076.html