Kinh tế Khoa học - công nghệ Giữ sạch dòng sông

Đoàn viên, thanh niên Ban quản lý làng cổ Phước Tích thu gom, vớt rác trên sông Ô Lâu. Ảnh: LC Phước Tích

Ông cha ta thường ví: “Nhất cận thị, nhì cận giang, tam cận lộ” để chỉ ra tầm quan trọng, tính tiện ích của “chợ đò, sông nước, đường sá” đối với đời sống sinh hoạt cũng như tác động đến phát triển kinh tế - xã hội.

Không chỉ sông Hương hay những con sông chính: Ô Lâu, Nong, Truồi, Cầu Hai, Bù Lu mà nhiều khúc sông lớn như sông Bồ, Ngự Hà, An Cựu, Như Ý, Bạch Yến, Đại Giang... mang lại nguồn lợi lớn trong sản xuất, cung cấp nguồn nước sinh hoạt, phát triển du lịch dịch vụ, điều hòa môi trường… Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với những tác động của xã hội, cũng như hệ thống lưu vực sông không ổn định về cả mùa mưa lũ cũng như mùa hè, nên môi trường ở các dòng sông không phải lúc nào cũng giữ được trạng thái “tự làm sạch” mà vẫn còn bèo nổi, rác nổi ngập mặt nước. Thêm vào đó là tình trạng đốt, thả giấy tiền, vàng mã trên sông làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường dòng sông.

Việc làm sạch rác, bèo trên sông không hề đơn giản và chỉ trong ngày một ngày hai. Thời gian qua, cùng với thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, các địa phương đồng loạt và thường xuyên vệ sinh dọc và trên các tuyến sông chảy qua địa bàn mình, khơi thông dòng chảy kịp thời, tránh tình trạng bèo, rác “bưng bít” các cống thoát. Điển hình trong phong trào này là mô hình điểm “Dòng Hương trong xanh” do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đảm nhận, duy trì, triển khai thực hiện hàng tuần. Định kỳ, đơn vị phối hợp với Câu lạc bộ “Cảm ơn dòng Hương”, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, Trung tâm Công viên cây xanh Huế, Công an tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, BCH Quân sự tỉnh tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, bèo tây, làm vệ sinh sạch đẹp tại các công viên hai bên bờ sông Hương và trên sông Hương. Cùng với đó, các sở, ban, ngành liên quan triển khai chỉ đạo chấn chỉnh các hoạt động thả đèn hoa đăng, vàng mã trên sông Hương, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các loại hoa đăng truyền thống, không phác thải chất thải nguy hại, khó xử lý ra môi trường nước.

Các huyện đoàn, thị đoàn, đoàn thanh niên các địa phương cũng đã thành lập câu lạc bộ, đội hình thanh niên tình nguyện xung kích bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương, thành lập các tổ, nhóm tuyên truyền viên đến từng hộ gia đình, khu dân cư, thôn, xóm để tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không vứt rác, xác chết động vật bừa bãi… Đồng thời, tổ chức các đợt ra quân vệ sinh môi trường, thu gom, dọn dẹp rác thải, vớt bèo khơi thông dòng chảy trên các sông tại các địa phương, đơn vị.

Tuy không phải là mới, vì cách đây khoảng hơn 10 năm, Tỉnh đoàn đã phát động xây dựng phong trào chung tay bảo vệ môi trường đến các tổ chức đoàn cơ sở. Còn nhớ lúc đó, Câu lạc bộ Thanh niên xung kích bảo vệ dòng sông quê hương Thủy Thanh là mô hình đầu tiên về bảo vệ môi trường của tỉnh. Đến nay, câu lạc bộ này vẫn duy trì vớt rác, bèo, làm sạch vệ sinh môi trường tại các đoạn sông cầu ngói Thanh Toàn, sông Như Ý, dọc các kênh, hói qua địa bàn…

Dọc nhánh sông Ô Lâu, đoạn qua làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền), nơi đây hằng tuần, hằng tháng hay các dịp lễ, tết, các bạn đoàn viên, thanh niên Ban quản lý làng cổ Phước Tích, cán bộ, thanh niên và người dân trong xã vẫn ra quân vệ sinh, vớt rác dọc hai bên bờ sông Ô Lâu. Nhờ duy trì hoạt động thường xuyên, không chỉ môi trường ở ngôi làng cổ Phước Tích, sông Ô Lâu chảy qua địa bàn giữ được nét trong xanh, thoáng đãng, mà ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường cũng nâng lên rõ rệt.

HOÀI NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giu-sach-dong-song-a107455.html