Kinh tế Kinh tế Hai điểm sáng trong kim ngạch xuất khẩu
Nhìn vào chỉ số kim ngạch xuất khẩu của Thừa Thiên Huế 6 tháng đầu năm 2019, chúng ta thấy có hai điều đáng chú ý: đó là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh và khu vực doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Con số cụ thể như sau: tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 543 triệu USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ. Khu vực doanh nghiệp vốn ròng trong nước tăng mạnh đến 52,5%.
Trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nhà, từ nhiều năm nay, ngành hàng dệt may vẫn chiếm thế thượng phong. Nghĩa là chúng ta nhập nguyên vật liệu về gia công rồi xuất khẩu. Giá trị gia tăng ở công đoạn này không cao. Nhưng bước sang năm nay, tình hình có vẻ được cải thiện. Trong khi kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may chỉ 198 triệu USD thì kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt 416 triệu USD. Có thể nói ngành dệt may đã “xuất siêu” 218 triệu USD, tức là giá trị sản xuất ra trong nước.
Từ tháng 1/2019, Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với thuế suất giảm dần về 0%. Muốn được hưởng thuế suất thấp khi tham gia xuất khẩu thì ngành dệt may phải đi từ sợi, tức là quy tắc “ba công đoạn” (quy tắc hai công đoạn là đi từ vải mà các FTA thường áp dụng trước đây). Không biết mặt hàng xơ, sợi dệt của Thừa Thiên Huế tham gia cung cấp được bao nhiêu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng may mặc (trong tỉnh) là 272 triệu USD, song riêng mặt hàng xơ, sợi dệt đã xuất khẩu được 144 triệu USD. Con số nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may giảm mạnh, 13,2%, phải chăng mặt hàng xơ sợi đã chủ động được một phần đáng kể nhu cầu của ngành hàng may mặc trong tỉnh?
Một điểm sáng khác trong xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 là sự “nổi lên” của ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ. Số liệu từ UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2019, ngành hàng này tăng trưởng đến 44,3%, con số tuyệt đối là 62 triệu USD. Điều này phù hợp với tình hình sản xuất lâm nghiệp trong tỉnh. Ngoài gỗ trồng để lấy dăm, toàn tỉnh đã đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, có chứng chỉ FSC (tổ chức thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về việc quản lý rừng có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội). Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có khoảng hơn 7.000 ha rừng trồng gỗ lớn. Lượng gỗ khai thác được thác suất trên diện tích rừng trồng gỗ lớn đã tạo ra nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành chế biến gỗ phát triển.
Thừa Thiên Huế còn một lĩnh vực thế mạnh nữa là thủy sản, nhưng nhiều năm qua, ngành này vẫn chiếm một tỷ trọng nhỏ và thiếu ổn định, khi lên khi xuống. Cùng kỳ năm 2018 xuất khẩu chừng 30 triệu USD thì 6 tháng đầu năm này giảm gầm 30%, con số tuyệt đối là 20,4 triệu USD.
Thời gian vài năm tới, có thể ngành dệt may và ngành gỗ vẫn dẫn đầu trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, trong đó kỳ vọng ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ có sự tăng trưởng mạnh nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào. Việc còn lại là đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/hai-diem-sang-trong-kim-ngach-xuat-khau-a74526.html