Kinh tế Kinh tế Sống thấp thỏm trong vùng sạt lở

TTH - Trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở ở các địa phương, đã được các cơ quan chức năng cảnh báo. Công tác di dời dân, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ vẫn được triển khai, nhưng về lâu dài, cần nguồn lực để đầu tư kể cả giải pháp công trình và phi công trình.

Cắt cơ hạ tải và xử lý triệt để điểm sạt lở ở tuyến đường VH2 thuộc nhà máy thủy điện Bình Điền

Cắt cơ hạ tải và xử lý triệt để điểm sạt lở ở tuyến đường VH2 thuộc nhà máy thủy điện Bình Điền

Mong được ổn định

Với địa hình đồi, có độ dốc lớn, nhiều vùng miền núi, bán sơn địa trên địa bàn tỉnh có nguy cơ sạt lở lớn mỗi mùa mưa bão.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn huyện Nam Đông có khoảng 10 vị trí có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét khi mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Cứ mỗi mùa mưa bão về, người dân thôn 2, xã Thượng Nhật lại “thấp thỏm” với câu chuyện sạt lở núi. Toàn thôn có 86 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu, đã định cư nhiều năm ở khu vực này. Khoảng vài năm trở lại đây, đặc biệt sau các trận mưa bão lớn từ cuối năm 2020 đã xuất hiện một số vị trí sạt trượt trên triền đồi, bờ sông. Các hộ dân sống dưới chân thủy điện Thượng Nhật - công trình thủy điện có nhiều “vấn đề” trong việc điều tiết lũ trong mùa mưa bão cuối năm 2020 càng lo lắng hơn.

Ông Hồ Văn Vang, một người dân sống trong khu vực cho biết, gia đình cùng nhiều hộ dân ở đây đã định cư hơn 40 năm qua nhưng chưa bao giờ nỗi lo sạt lở núi lại thường trực như bây giờ! Cứ đến mùa mưa lại lo núi trượt xuống khu dân cư, lo thủy điện xả lũ bất ngờ ảnh hưởng đến dòng chảy của sông suối và gây thiệt hại vật nuôi, mùa màng. Người dân mong muốn được di dời, tái định cư (TĐC) để ổn định cuộc sông lâu dài.

Nhiều năm nay, 14 hộ dân sống ở khu vực ở chân đèo Phú Gia (Lộc Tiến, Phú Lộc) luôn thấp thỏm lo lắng bởi tình trạng nguy cơ sạt lở núi tại đây. Các hộ dân sống rải rác dọc dưới chân núi trong khoảng cách từ 150-400m gần chân núi. Từ tuyến QL1A dễ dàng nhận rõ vết nứt gãy kéo dài, với khối lượng đất đá khá lớn, nguy cơ sạt trượt trên lưng chừng núi khi có mưa lớn.

Câu chuyện nguy cơ sạt trượt núi ở đèo Phú Gia không mới nhưng sau chừng ấy năm, công tác TĐC ở đây vẫn chưa được tiến hành do nguồn lực còn khó khăn. Trong khi đó, mỗi năm, người dân phải tiến hành di dời khẩn cấp từ 4-5 lần do mưa lớn, nguy cơ núi trượt.

Nguồn lực khó khăn

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, vấn đề sạt lở, lũ quét trên địa bàn huyện, chính quyền địa phương đã khảo sát và có các phương án khác nhau. Đối với vùng nguy cơ sạt lở như ở Thượng Nhật, trước mắt, để bảo đảm an toàn cho người dân, địa phương vận động và thực hiện sơ tán tạm thời các hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn mỗi khi đến mùa mưa bão; cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác ứng phó với sạt lở đất, lũ quét. Về lâu dài, địa phương triển khai rà soát, xác định những vị trí có nguy cơ sạt lở để xây dựng phương án bố trí TĐC, di dời các hộ ở các vị trí nguy hiểm đến nơi an toàn. Tuy nhiên, với nguồn lực của huyện còn hạn chế như hiện nay, việc xây dựng khu TĐC, thực hiện công tác di dời, đền bù hỗ trợ… đều rất khó khăn nên chưa biết khi nào thực hiện.

Ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến thông tin, mới đây, đoàn công tác của UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan đã có chuyến kiểm tra, khảo sát khu vực vực dưới chân núi Phú Gia nơi có 14 hộ dân sinh sống nhằm có phương án đền bù, hỗ trợ các hộ dân di dời TĐC. Ở góc độ địa phương, xã đã bố trí quỹ đất tại khu TĐC Lộc Tiến cho các hộ dân. Đề xuất cấp trên sớm triển khai bố trí TĐC để ổn định cuộc sống, sản xuất của người dân. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần nguồn kinh phí lớn nên chính quyền cũng phụ thuộc cấp trên bố trí vốn mới thực hiện được.

Mới đây, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có thông báo, cảnh báo các vị trí có nguy cơ sạt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển tại 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh để các địa phương, đơn vị chủ động theo dõi, phòng ngừa và ứng phó với sự cố thiên tai trong mùa mưa bão 2021-2022.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trên cơ sở những đánh giá, cảnh báo tại các vị trí nguy cơ sạt lở, tỉnh chỉ đạo các địa phương có phương án di dời các hộ dân ở gần khu vực có nguy cơ đến nơi an toàn trong mùa mưa bão. Về phương án lâu dài, sau khi có những đánh giá chính thức, có cơ sở khoa học của các cơ quan chuyên môn về những vị trí sẽ bị sạt lở trong thời gian tới, tỉnh sẽ có phương án di dời TĐC những hộ dân này ra khỏi vùng sạt lở nhằm đảm bảo an toàn.

Xử lý sạt lở tại thủy điện

Ông Nguyễn Quang Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Bình Điền thông tin, nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2021, đến nay đơn vị này đã hoàn thành công tác cắt cơ hạ tải và xử lý triệt để điểm sạt lở ở tuyến đường VH2 thuộc nhà máy. Đây là điểm sạt lở khá lớn do mưa lũ từ cuối năm 2020 cộng với việc người dân địa phương làm các tuyến đường tiểu ngạch nhằm khai thác keo tràm làm sạt lở nhiều điểm trên tuyến. Ngoài ra, công ty đang tiến hành xây dựng tường rào bảo vệ hành lang nguồn nước; lắp đặt hệ thống giám sát thủy văn truyền trực tuyến về Bộ TN&MT.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/song-thap-thom-trong-vung-sat-lo-a104615.html