Kinh tế Mỹ đang khả quan, Trung Quốc nhận nhiều tín hiệu ảm đạm

Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng hơn ước tính, các chỉ số gần đây cho thấy khả năng phục hồi được duy trì. Trong khi đó nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục đối mặt với thách thức khi hoạt động sản xuất trong tháng 6 giảm tháng thứ ba liên tiếp.

Kinh tế Mỹ duy trì khả năng phục hồi

So với các dự báo trước đó trong quý đầu tiên của năm 2023, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng đáng kể, đồng thời các chỉ số gần đây cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế đang được duy trì. Điều này làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Đầu năm nay, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng ở mức 1,1%, giảm 1 điểm phần trăm so với tăng trưởng của năm ngoái. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và (OEDC) dự báo mức tăng là 1,6%.

 Ảnh minh họa: Reuters.

Ảnh minh họa: Reuters.

Quý I/2023, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố tăng trưởng kinh tế nước này đạt mức 2%. Dù tăng trưởng vượt dự báo, nhiều công ty hồi đầu năm đã lo ngại viễn cảnh kinh tế ảm đạm cho cả năm, nhưng các dữ liệu được công bố cho thấy bức tranh đã sáng sủa hơn. Tổng thống Mỹ tin tưởng vào sự thành công của chiến lược phục hồi kinh tế Mỹ.

Trong 3 tháng đầu năm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 2,0% so với cùng kỳ năm ngoái, Bộ Thương mại cho biết vào ngày 29/6 trong lần ước tính thứ ba về GDP quý đầu tiên.

Bên cạnh đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm vào tuần trước – giảm nhiều nhất trong 20 tháng trong khi các báo cáo khác trong tháng này cho thấy mức tăng trưởng việc làm tốt hơn dự kiến trong tháng 5, doanh số bán lẻ tăng và số nhà khởi công tăng mạnh.

Sức mạnh bền bỉ của thị trường lao động tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi tiền lương tăng. Đồng thời, điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy lạm phát, rất có thể khiến Fed tăng lãi suất một lần nữa vào tháng Bảy.

Theo Scott Hoyt, nhà kinh tế cấp cao tại Moody's Analytics ở West Chester, Pennsylvania (Mỹ): "Trong khi nền kinh tế sẽ gặp khó khăn trước các hành động của Fed, tăng trưởng chậm lại sẽ làm giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế", Reuters đưa tin.

Kinh tế Trung Quốc đón nhiều tín hiệu ảm đạm

Trong tháng 6, nền kinh tế thứ hai thế giới tiếp tục đối mặt với các vấn đề khi hoạt động sản xuất của nhà máy giảm tháng thứ ba liên tiếp, sau các cuộc khảo sát mờ nhạt khác trong tuần này.

Điều này đang làm gia tăng áp lực đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, vốn đang đi ngang sau sự phục hồi mạnh mẽ ban đầu sau đại dịch Covid-19 trong quý đầu tiên.

 Công nhân kiểm tra sản phẩm nhôm cuộn bên trong một nhà máy ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Công nhân kiểm tra sản phẩm nhôm cuộn bên trong một nhà máy ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

"Chỉ số sản xuất (PMI) tháng 6 phản ánh một số điểm yếu và mất cân bằng, chẳng hạn như: nhu cầu bên trong và bên ngoài liên tục bị thu hẹp, hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ chậm lại nhanh chóng và áp lực tiếp tục gia tăng đối với nền kinh tế tư nhân", Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng đồng thời là trưởng bộ phận nghiên cứu về Greater China tại Jones Lang LaSalle, nhận định theo Reuters.

Chính phủ nước này đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% cho năm nay sau khi bỏ lỡ mục tiêu năm 2022.

Cũng trong tuần qua tại WEF Thiên Tân, Trung Quốc đưa ra dự báo tình hình kinh tế nước này trong năm 2023. Mức tăng trưởng dự kiến năm nay đưa ra là 5%, trong bối cảnh hoạt động sản xuất tiếp tục cho thấy sự suy giảm nhiều tháng liền và đã có hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các quỹ ở nước này.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Thiên Tân, Thủ tướng Lý Cường nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ tăng khoảng 5% năm 2023, nghĩa là đạt mục tiêu nhưng không cao như kỳ vọng của nhiều chuyên gia phương Tây trước đó nhận định.

Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh ban hành các chính sách hiệu quả hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước và mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Trong ngắn hạn, cách hiệu quả nhất để thúc đẩy nhu cầu là chỉ đạo các cơ quan nhà nước chi tiêu nhiều hơn.

Gần đây một loạt ngân hàng, định chế tài chính quốc tế đều hạ kỳ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 2023 chỉ còn 5,2-5,7%. Bên cạnh đó, dòng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc sau khi tổ chức xếp hạng tín dụng S&P Global hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2023-2024.

Theo S&P, GDP Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm 2023 và 4,7% năm 2024. Tổ chức này cũng cảnh báo rủi ro lớn là Trung Quốc thiếu một gói kích thích quy mô lớn.

Kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” từ bên ngoài: từ mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung, các lệnh cấm chip, nhu cầu nhập khẩu ở cả ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc đều giảm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định vấn đề lớn nhất là bất động sản, đóng góp lớn hàng đầu vào GDP, tổng vốn đầu tư 5 tháng đầu năm giảm đến 7,2%.

Dù Chính phủ Trung Quốc đã dùng rất nhiều chính sách để kích thích tiêu dùng trong nước như giảm lãi suất, các chuyên gia phương Tây cho rằng vẫn chưa đủ để người dân tăng chi tiêu. Chi tiêu hộ gia đình của Trung Quốc đóng góp GDP chỉ chiếm khoảng 38% so với mức trung bình toàn cầu là 55%.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng, lạm phát vẫn được theo dõi

Các nhà lãnh đạo của các ngân hàng trung ương hàng đầu - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh - đã tái khẳng định vào ngày 28/6 rằng cần phải thắt chặt chính sách hơn nữa để chế ngự lạm phát cao. Nhưng họ tin rằng điều này có thể đạt được mà không gây ra suy thoái hoàn toàn.

 Người dân mua sắm tại một siêu thị ở thành phố Nice của Pháp. Ảnh Reuters.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở thành phố Nice của Pháp. Ảnh Reuters.

Trong tháng 6, tỷ lệ lạm phát khu vực đồng euro tiếp tục giảm nhờ chi phí nhiên liệu giảm. Giá cả tại 20 quốc gia sử dụng đồng euro đã tăng 5,5% trong tháng này, từ mức 6,1% trong tháng 5, đây là lần giảm thứ 7 trong 8 tháng qua. Tuy nhiên, nó gần gấp ba lần mục tiêu ổn định giá 2% của ECB.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tăng cao hơn dự kiến trong tháng Sáu. Dữ liệu của Văn phòng Lao động Liên bang cho thấy số người không có việc làm đã tăng 28.000 theo điều kiện được điều chỉnh theo mùa lên 2,61 triệu. Các nhà phân tích đã dự đoán con số này sẽ tăng thêm 13.000, theo một cuộc thăm dò của Reuters.

Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, nền kinh tế hầu như không tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm nay, chỉ tăng 0,1%. Con số này không thay đổi so với ước tính ban đầu và khiến sản lượng của nước này thấp hơn 0,5% so với quý cuối cùng của năm 2019 trước đại dịch COVID-19.

Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp của công dân Saudi Arabia đã tăng lên 8,5% trong quý đầu tiên của năm 2023, so với 8% trong quý 4 năm 2022, theo Cơ quan Thống kê của Saudi Arabia.

Ngoài ra, Ủy ban ổn định hệ thống tài chính của Mexico cho biết triển vọng kinh tế của nước này không chắc chắn do những rủi ro dai dẳng đối với hoạt động kinh tế xuất phát từ môi trường bên ngoài phức tạp.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong quý II, nhờ lĩnh vực dịch vụ. Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, nhanh hơn mức tăng 3,28% của quý I.

Điệp Nguyễn (Theo Weforum, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-te-my-dang-kha-quan-trung-quoc-nhan-nhieu-tin-hieu-am-dam-post254595.html