Kinh tế Mỹ kém lạc quan

Hàng loạt số liệu mới được các cơ quan chức năng Mỹ công bố mới đây cho thấy những tín hiệu kém vui từ nền kinh tế đứng đầu thế giới.

Tàu chở hàng tại cảng Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: iStock

Tàu chở hàng tại cảng Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: iStock

Dịch vụ giảm, thâm hụt thương mại tăng

Theo số liệu đo lường của Viện Quản lý cung ứng (ISM), hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm vào tháng 6-2024, trong bối cảnh số đơn đặt hàng giảm mạnh, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có thể bị mất đà vào cuối quý 2. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của lĩnh vực dịch vụ đã giảm xuống mức 48,8 trong tháng 6-2024 (mức thấp nhất kể từ tháng 5-2020) từ mức 53,8 của tháng 5.

Đây là lần thứ hai trong năm nay chỉ số này giảm xuống dưới 50, cho thấy lĩnh vực dịch vụ đang bị thu hẹp. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, số lượng đơn đặt hàng mới cho hàng hóa do Mỹ sản xuất đã bất ngờ giảm trong tháng 5. Sản xuất, chiếm 10,3% nền kinh tế Mỹ, đang chịu áp lực từ lãi suất cao hơn và nhu cầu hàng hóa giảm sút.

Cũng theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 5-2024 đã tăng tháng thứ hai liên tiếp do xuất khẩu yếu, dấu hiệu cho thấy thương mại có thể vẫn là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế trong quý 2. Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 5 đã tăng 0,8%, lên mức 75,1 tỷ USD.

Xuất khẩu giảm 0,7%, xuống còn 261,7 tỷ USD trong tháng 5-2024, phản ánh đồng USD mạnh khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ lãi suất ở mức cao và nhu cầu toàn cầu chậm lại… Thương mại đã làm hạn chế tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý đầu tiên năm 2024 ở mức 1,4%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 3,4% của quý 4-2023.

Thị trường lao động hạ nhiệt

Theo số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở nước này đã tăng vào tuần trước, trong khi số lượng người thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất trong 2,5 năm vào cuối tháng 6-2024. Thị trường lao động Mỹ đang dần hạ nhiệt, với việc chính phủ nước này thông báo rằng có 1,22 cơ hội việc làm cho mỗi người thất nghiệp trong tháng 5-2024, gần với mức trung bình 1,19 cơ hội việc làm vào năm 2019.

Bộ Lao động Mỹ hôm 5-7 cho biết tăng trưởng việc làm của nước này tiếp tục chậm lại trong tháng 6, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,1%. Mọi con mắt đều đổ dồn vào báo cáo này bởi được kỳ vọng rằng sự hạ nhiệt trên thị trường lao động giúp thúc đẩy FED cắt giảm lãi suất sớm hơn, có thể vào cuối năm nay. Trong khi đó, thị trường tài chính hiện vẫn lạc quan rằng FED có thể bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9 tới. Biên bản cuộc họp mới đây của FED, được công bố ngày 4-7, cho thấy các nhà hoạch định chính sách thừa nhận nền kinh tế Mỹ dường như đang chậm lại và áp lực giá đang giảm dần.

Việc FED cắt giảm lãi suất sớm sẽ giúp thị trường nhà đất ấm lên. Số liệu được Hiệp hội Ngân hàng cho vay thế chấp (MBA) cung cấp cho hay, lãi suất thế chấp của Mỹ đã tăng trở lại lên mức trên 7% vào tuần trước, khiến số đơn đăng ký đi vay mua nhà giảm. Sam Khater, nhà kinh tế trưởng của tổ chức cho vay thế chấp Freddie Mac, kỳ vọng lãi suất sẽ giảm và lượng hàng tồn kho sẽ gia tăng trong nửa cuối năm, giúp tốc độ tăng giá chậm lại và mang lại tín hiệu tốt cho những người mua nhà.

Thông tin lạc quan hiếm hoi xuất hiện khi 2 chỉ số chứng khoán S&P 500 và Nasdaq đã thiết lập mức kỷ lục mới, trước khi thị trường chứng khoán Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 4-7. Chốt phiên giao dịch ngày 3-7, chỉ số Nasdaq tăng 0,88%, lên 18.188,30 điểm. Đây là lần thứ 23 kể từ đầu năm đến nay chỉ số này phá mức đỉnh. Chỉ số S&P 500 tăng 0,51%, lên mốc 5.537,02 điểm và đây là lần thứ 33 chỉ số này thiết lập mức kỷ lục mới trong năm 2024.

MINH CHÂU tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kinh-te-my-kem-lac-quan-post748233.html