Kinh tế Nga đang lộ vết nứt?

Tổng thống Putin từng phát biểu trong thông điệp liên bang rằng, nền kinh tế và hệ thống chính phủ của Nga hóa ra mạnh hơn nhiều so với những gì phương Tây nghĩ. Tuy nhiên, theo CNN' các vết nứt đang bắt đầu lộ ra và sẽ mở rộng trong 12 tháng tới.

Năm 2022, kinh tế Nga cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên. Hình ảnh một nhà máy lọc dầu ở thành phố Omsk, Siberia, Nga. (Nguồn: CNN)

Năm 2022, kinh tế Nga cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên. Hình ảnh một nhà máy lọc dầu ở thành phố Omsk, Siberia, Nga. (Nguồn: CNN)

Khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cách đây một năm, các nước phương Tây đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt chưa từng có và gây áp lực lên Tổng thống Vladimir Putin. Mục đích để giáng một đòn kinh tế nghiêm trọng đến mức Tổng thống Putin phải xem xét lại chiến dịch quân sự này.

Kỷ nguyên kiếm lợi nhuận "trời cho" kết thúc

Kết quả là nền kinh tế Nga đã suy yếu nhưng nó cũng cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên.

Khi nhu cầu về dầu của Nga giảm ở châu Âu, Moscow đã chuyển hướng các thùng dầu sang châu Á. Ngân hàng trung ương của nước này đã ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiền tệ bằng các biện pháp kiểm soát vốn tích cực và tăng lãi suất. Chi tiêu quân sự đã hỗ trợ lĩnh vực công nghiệp, trong khi cuộc tranh giành để thay thế thiết bị và công nghệ phương Tây đã thúc đẩy đầu tư trong nước.

Tổng thống Putin phát biểu trong thông điệp liên bang Nga rằng: “Nền kinh tế và hệ thống chính phủ của Nga hóa ra mạnh hơn nhiều so với những gì phương Tây nghĩ".

Tuy nhiên, các vết nứt đang bắt đầu lộ ra và sẽ mở rộng trong 12 tháng tới.

Liên minh châu Âu (EU) đã chi hơn 100 tỷ USD cho nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2021 và đã đạt được những bước tiến lớn trong việc loại bỏ dần việc mua nhiên liệu từ Moscow. Khối này đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga vào năm ngoái và chính thức cấm hầu hết hoạt động nhập khẩu dầu thô, dầu tinh chế của Nga bằng đường biển vào tháng 12/2022.

Những biện pháp nói trên đã gây căng thẳng cho nền tài chính Nga, khi nước này phải vật lộn để tìm khách hàng thay thế.

Chính phủ Nga đã báo cáo thâm hụt ngân sách khoảng 1.761 tỷ Ruble (23,5 tỷ USD) trong tháng 1/2023. Chi tiêu tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu giảm 35%.

Phó Thủ tướng Alexander Novak tuyên bố, Nga sẽ cắt giảm sản lượng dầu khoảng 5% bắt đầu từ tháng 3/2023.

Chuyên gia về kinh tế Nga Janis Kluge tại Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế của Đức nhận định: “Kỷ nguyên kiếm được lợi nhuận 'trời cho' từ thị trường dầu mỏ và khí đốt đối với Nga đã kết thúc".

Trong khi đó, đồng Ruble đã giảm xuống mức yếu nhất so với USD kể từ tháng 4/2022. Sự yếu kém của đồng tiền này đã góp phần làm tăng lạm phát và hầu hết các doanh nghiệp nói rằng, họ không thể nghĩ đến việc phát triển do mức độ bất ổn kinh tế cao.

Những vấn đề trên đặt nền kinh tế của đất nước vào quỹ đạo suy giảm.

"Năm nay thực sự có thể là một bài kiểm tra quan trọng", ông Timothy Ash, một nhà kinh tế và cộng sự tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London (Anh) nhận định.

11.300 biện pháp trừng phạt và thành công bất ngờ

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, phương Tây đã công bố hơn 11.300 biện pháp trừng phạt và đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của nước này. Đồng thời, hơn 1.000 công ty đã rời khỏi hoặc cắt giảm hoạt động tại quốc gia này, với lý do phản đối chiến dịch quân sự và những thách thức hậu cần mới.

Theo ước tính sơ bộ từ chính phủ Nga, sản lượng kinh tế của đất nước đã giảm 2,1% trong năm ngoái. Nhưng "cú đánh" bị hạn chế hơn so với dự đoán ban đầu. Khi các biện pháp trừng phạt lần đầu tiên được áp đặt, một số nhà kinh tế đã dự đoán, tăng trưởng kinh tế Moscow sẽ giảm tới 10-15% .

Một lý do giải thích cho sự thành công bất ngờ của Nga là việc nước này hướng tới khả năng tự cung tự cấp từ năm 2014. Thông qua chính sách “Pháo đài nước Nga”, chính phủ đã thúc đẩy sản xuất lương thực trong nước và các nhà hoạch định chính sách buộc các ngân hàng phải tăng cường dự trữ.

Ông Timothy Ash khẳng định, điều đó đã tạo ra một mức độ “bền bỉ”.

Sự can thiệp nhanh chóng của ngân hàng trung ương Nga (tăng lãi suất lên 20% và thực hiện các biện pháp kiểm soát tiền tệ để củng cố đồng Ruble) cũng là một động lực ổn định. Nhu cầu của các nhà máy tăng cường sản xuất hàng hóa và thay thế các mặt hàng đã được nhập khẩu từ phương Tây cũng giúp Nga vượt khó.

Nhưng sự hỗ trợ lớn nhất đến từ giá năng lượng cao và "cơn khát" dầu mỏ và các mặt hàng khác của thế giới.

Nga - nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới - đã có thể gửi các thùng dầu lẽ ra phải cập bến châu Âu đến các nước khác như Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), EU từng nhập khẩu trung bình 3,3 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu của Nga mỗi ngày vào năm 2021, cũng vẫn mua 2,3 triệu thùng/ngày tính đến tháng 11/2022.

Ông Sergey Aleksashenko, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga nhận thấy: “Đó là vấn đề về tài nguyên thiên nhiên. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế đã trải qua một sự suy giảm, nhưng không phải là một sự sụp đổ".

Hình ảnh một cửa hàng H&M đã đóng cửa tại Moscow, Nga. (Nguồn: CNN)

Hình ảnh một cửa hàng H&M đã đóng cửa tại Moscow, Nga. (Nguồn: CNN)

Dầu mỏ - "cứu tinh" của Nga đang "gặp nạn"

Trên thực tế, theo IEA, doanh thu xuất khẩu dầu trung bình hàng tháng của Nga đã tăng 24% trong năm ngoái, lên 18,1 tỷ USD. Tuy nhiên, mức doanh thu này khó giữ vững,, báo hiệu những quyết định ngày càng khó khăn đối với Tổng thống Putin.

Giá một thùng dầu thô Urals của Nga đã giảm xuống mức trung bình 49,5 USD trong tháng 1/2023, sau khi lệnh cấm vận dầu mỏ của châu Âu và mức giá trần của phương Tây có hiệu lực. Trong khi đó, giá dầu chuẩn toàn cầu là khoảng 82 USD.

Việc tìm kiếm người mua mới cho các sản phẩm dầu đã qua chế biến - vốn cũng phải chịu các lệnh cấm vận mới và giá trần - cũng sẽ không dễ dàng.

Ông Ben McWilliams, một nhà tư vấn năng lượng tại Bruegel lưu ý rằng, Trung Quốc và Ấn Độ có mạng lưới các nhà máy lọc dầu của riêng và thích mua dầu thô hơn.

Trong khi đó, xuất khẩu khí đốt sang châu Âu đã sụt giảm đáng kể từ khi Nga đóng cửa đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1).

Lĩnh vực dầu khí chiếm 45% ngân sách của Nga vào năm 2021. Khi nước này có kế hoạch tối đa hóa chi tiêu quốc phòng, doanh thu thấp hơn từ năng lượng chắc chắn đồng nghĩa với sự đánh đổi.

Rủi ro cao

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn kỳ vọng, nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm nay và 2,1% trong năm tới. Tuy nhiên, bất kỳ triển vọng nào cũng phụ thuộc vào những gì xảy ra ở Ukraine.

Bà Tatiana Orlova, nhà kinh tế học tại Oxford Economics nhận định: “Việc nền kinh tế thu hẹp hay mở rộng vào năm 2023 sẽ được quyết định bởi những diễn biến tại Ukraine. Tình trạng thiếu lao động là một rủi ro chính của Moscow".

Tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây có nguy cơ phát triển thành một cuộc khủng hoảng theo thời gian. Bloomberg ước tính, chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Putin ở Ukraine sẽ cắt giảm 190 tỷ USD khỏi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga vào năm 2026.

Các ngành phụ thuộc vào nhập khẩu đặc biệt dễ bị tổn thương. Các nhà sản xuất ô tô trong nước đã phải vật lộn với tình trạng thiếu linh kiện và vật liệu chính.

Ngành công nghiệp ô tô đã suy yếu sau khi các công ty như Volkswagen, Renault, Ford và Nissan tạm dừng sản xuất và bắt đầu bán tài sản tại Nga vào năm ngoái.

Trên khắp các lĩnh vực, các công ty đang gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch cho tương lai. Một cuộc khảo sát hơn 1.000 doanh nghiệp Nga do Viện Tăng trưởng Kinh tế Stolypin thực hiện vào tháng 11/2022 cho thấy, gần một nửa có kế hoạch duy trì sản xuất trong một đến hai năm tới và không nghĩ đến tăng trưởng.

Nhóm này cho biết, điều này góp phần gây ra rủi ro cao về “sự đình trệ lâu dài của nền kinh tế Nga”.

(theo CNN)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-nga-dang-lo-vet-nut-217587.html