Kinh tế Pháp duy trì đà tăng bất chấp những bất ổn

Kinh tế Pháp vẫn đạt mức tăng trưởng nhẹ trong quý III/2024, nhờ những mảng sáng do hai sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh mang lại.

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Golbey, miền Đông Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Golbey, miền Đông Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba tháng đối mặt với một nghị viện mới nhưng phân rã, một chính phủ mãn nhiệm và món nợ công khổng lồ, kinh tế Pháp vẫn đạt mức tăng trưởng nhẹ trong quý III/2024, nhờ những mảng sáng do hai sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh mang lại. Từ nay đến cuối năm, chính phủ mới thành lập sẽ phải giải quyết tình trạng hoạt động chậm chạp và tài chính công suy giảm.

Theo Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia (INSEE), tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội của Pháp trong quý III/2024 ước đạt 0,4%. Những màn trình diễn hoành tráng độc nhất vô nhị, một Paris lộng lẫy tráng lệ thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tiêu tiền, cùng khoản lợi nhuận thu được từ bán vé sự kiện và bản quyền truyền hình của hai sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh là Olympic và Paralympic Paris 2024 đã đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng 0,4% này. INSEE dự báo, khi động lực thể thao không còn, quý IV sẽ có có thể rơi vào “sắc đỏ”, với mức -0,1%. Tổng cộng, sau khi tăng 0,2% trong hai quý đầu tiên, nền kinh tế Pháp dự báo sẽ tăng trưởng 1,1% vào năm 2024.

Trên thực tế, sau một mùa Hè bất ổn về chính trị tại Pháp, niên khóa kinh tế mới bắt đầu vào tháng Chín diễn ra một cách chậm chạp, cả về tiêu dùng và đầu tư. Tăng trưởng từ đầu năm đến nay chủ yếu đến từ 2 lĩnh vực ngoại thương và chi tiêu công, "nguồn động lực duy nhất của nhu cầu trong nước", theo nhận xét của Dorian Roucher, người đứng đầu bộ phận kinh tế tại INSEE.

Trong lĩnh vực dịch vụ, hoạt động lưu trú và ăn uống có những tín hiệu tốt nhờ Thế vận hội Olympic và Paralympic, nhưng doanh thu trong lĩnh vực thông tin-truyền thông, cũng như trong các ngành dịch vụ kinh doanh khác lại không cải thiện được nhiều. Một số tín hiệu tích cực hơn đang xuất hiện từ ngành công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp-thực phẩm, nhờ tình trạng giảm phát.

Bên cạnh việc nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế, nước Pháp còn phải đối mặt với nỗi lo kiềm chế nợ công, đang có nguy cơ vượt ngưỡng 3.000 tỷ euro (3.321 tỷ USD), con số kỷ lục từ trước tới nay. Với tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng xấu đi theo công bố của Bộ Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp vào đầu tháng Chín, hiện lên đến 5,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), việc điều chỉnh quỹ đạo ngân sách dường như là điều không thể tránh khỏi và sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các kịch bản tăng trưởng trong những tháng tới.

Để bù đắp thâm hụt ngân sách, hai hình thức đang được tính đến; đó là giảm một số chi tiêu nhất định, hoặc tăng một số loại thuế, ví dụ như thuế VAT, đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội, hoặc áp dụng lại thuế đánh vào tài sản cá nhân. Tuy nhiên, các hành động này sẽ cần phải cân nhắc một cách thận trọng vì dù là giải pháp nào cũng đều ảnh hưởng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp, vốn là trung tâm của các phương trình kinh tế.

Đối với hộ gia đình, ông Dorian Roucher thừa nhận: "Sự phục hồi trong tiêu dùng diễn ra chậm chạp vì các hộ gia đình vẫn đang rất dè dặt trong việc chi tiêu và tỷ lệ tiết kiệm vẫn tiếp tục tăng". Lạm phát chậm lại, lần đầu tiên kể từ năm 2021 đã giảm xuống dưới 2%, vào cuối tháng Tám, có thể khuyến khích người Pháp nới lỏng hầu bao hơn một chút. Sức mua của một số nhóm hộ gia đình cũng đã tăng lên vào cuối năm 2023 - đầu năm 2024 và tiền lương hiện cũng đang tăng nhanh hơn lạm phát. Mặc dù vậy, sau 3 năm giá cả tăng vọt, người tiêu dùng vẫn hết sức thận trọng. Bởi vì họ chưa tin rằng cuộc khủng hoảng lạm phát đã qua và trên hết là giá cả vẫn ở mức cao, ngay cả khi chúng không còn tăng nữa. Ngoài ra, nhiều người cũng lo ngại nguy cơ tăng thuế do tình hình ngân sách sa sút. Do đó các hộ gia đình vẫn có tâm lý muốn giữ chặt túi tiền tiết kiệm của mình.

Về phía các doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh, vốn đã giảm vào mùa Xuân, tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tài chính, do nhu cầu phục hồi bị cản trở ở Khu vực đồng euro và bởi sự bất ổn chính trị trong nước. Các cuộc khảo sát về môi trường kinh doanh chỉ ra rằng các công ty đang bi quan hơn so với thời điểm bắt đầu mùa Hè.

Ông François Asselin, Chủ tịch Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho biết hoạt động kinh doanh rất ảm đạm, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã tạm dừng các dự án đầu tư hoặc tuyển dụng.

Sự mong manh của một số lĩnh vực nhất định và sự suy giảm dòng tiền của công ty đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng: Hơn 63.000 vụ phá sản đã được ghi nhận trong một năm. Việc phá sản ảnh hưởng đến cả các công ty có từ 20 đến 100 nhân viên, trong khi vài tháng trước chúng chủ yếu liên quan đến các công ty rất nhỏ.

Theo ông François Asselin, những vụ phá sản mới này không còn do hiệu ứng COVID-19, hay việc hoàn trả các khoản vay được Nhà nước bảo lãnh, mà do các nguyên nhân mang tính cấu trúc. Đây là điều đáng lo ngại.

Ông Jérôme Kieffer, Giám đốc điều hành chi nhánh tại Pháp của KPMG, một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, giải thích: Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng đơn đặt hàng ít hơn so với năm 2023, trong khi họ không thể tăng giá hơn được nữa. Để hoạt động hiệu quả, các doanh nghiệp sẽ phải quản lý chặt chẽ nhất có thể, cố gắng lấy lại năng suất bằng việc thận trọng hơn khi tuyển dụng hoặc thu hẹp lại để hoạt động hiệu quả hơn.

Từ nay đến cuối năm, chính phủ mới thành lập của Thủ tướng Michel Barnier sẽ phải cải thiện tình trạng hoạt động chậm chạp và tài chính công suy giảm, thúc đẩy sức mua và tăng trưởng kinh tế. Những bài toán không hề dễ giải quyết.

Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế vẫn rất lạc quan. Trong dự báo mới công bố, Ngân hàng trung ương Pháp không chỉ điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế vào năm 2024 với mức tăng GDP là 1,1% trong năm nay, thay vì 0,8% trước đây, mà còn giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2025 ở mức 1,2%, cao hơn một chút so với mức đưa ra trong báo cáo gần đây của Tổng cục Tài chính (+1%). Các chuyên gia của họ tin rằng năm 2025 sẽ bắt đầu với tốc độ tăng trưởng rất thấp, “gần 0,2%”, nhưng hoạt động kinh tế sẽ tăng tốc với tốc độ hàng quý khoảng 0,3% đến 0,4% trong năm tới, so với mức trung bình 0,2% trong năm nay. Và năm 2026, GDP sẽ tăng 1,5%.

Thu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-phap-duy-tri-da-tang-bat-chap-nhung-bat-on/349078.html