Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Địa hình nhiều đồi, núi, bãi bồi, xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên chú trọng định hướng, khuyến khích, hỗ trợ nông dân khai thác thế mạnh trồng cây lâm nghiệp cũng như chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung, hàng hóa.

Bãi chăn thả rộng giáp xã Tà Mít và Nậm Sỏ nên nhiều năm nay, các hộ dân ở bản Nà Phát đã đưa trâu, bò từ nhà lên nuôi tập trung. Tuy nhiên, do chưa chú trọng khâu quản lý, tiêm phòng định kỳ từng có thời điểm gia súc chết vì ngã núi, bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Được chính quyền xã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng xây dựng chuồng trại, chia nhóm hộ quản lý… bà con đã nâng cao ý thức và chú trọng các biện pháp tăng đàn. Hiện, Nà Phát là một trong những bản điển hình chăn nuôi hiệu quả của xã.

Thay vì đưa lên bãi chăn thả, gia đình anh Lò Văn Thành ở bản Phiêng Lúc cùng một số hộ gia đình trong bản liên kết xây dựng chuồng nuôi nhốt tập trung với số lượng 18 con bò, 7 con trâu. Đây là hướng phát triển chăn nuôi hàng hóa phổ biến tại các địa phương trong tỉnh hiện nay. Bởi, sản xuất nông nghiệp không phụ thuộc vào sức cày kéo của trâu, bò mà áp dụng cơ giới hóa. Vậy nên, gia súc chăn nuôi chủ yếu làm hàng hóa. Với mô hình này, không chỉ giúp kiểm soát, ngăn ngừa tốt dịch bệnh, có thể sử dụng nguồn thức ăn tại chỗ từ trồng cỏ voi, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp; sử dụng chất thải bón cho cây trồng; hiệu quả kinh tế nâng lên.

Anh Thành chia sẻ: Trước khi liên kết, chúng tôi cũng đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ những ưu điểm của mô hình. Nuôi tập trung dễ dàng cho khâu tiêm vắc xin phòng bệnh cũng như hạn chế tối đa tình trạng trâu, bò chết do rét đậm, rét hại bởi được chăm sóc chủ động. Từ khi liên kết chăn nuôi, đàn gia súc khỏe mạnh, sinh sản đều.

Người dân bản Hua Puông (xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên) chăm sóc đàn dê.

Người dân bản Hua Puông (xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên) chăm sóc đàn dê.

Phát triển chăn nuôi gia súc là hướng đi được xã Nậm Cần xác định có nguồn thu nhập cao, bền vững. Góp phần quan trọng duy trì, nâng cao tiêu chí thu nhập sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới. Những năm gần đây, UBND xã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các bản tuyên truyền, vận động bà con thay đổi phương thức chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt tập trung; xây dựng và gia cố chuồng trại; trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc; quy hoạch bãi chăn thả.

Đặc biệt, thông qua mô hình nuôi bò cái Laisind do Trạm Khuyến nông huyện triển khai tại bản Phiêng Áng vào tháng 6/2016 cùng với các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi do cơ quan chuyên môn huyện, tỉnh tổ chức đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về áp dụng tiến hộ kỹ thuật trong chăn nuôi đảm bảo tốc độ tăng trưởng, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn của xã thường xuyên phối hợp với các bản rà soát, thống kê số lượng gia súc, đăng ký tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc cũng được các bản lồng ghép tuyên truyền tại cuộc họp bản, đoàn thể. Trong đó, hướng dẫn bà con theo dõi, kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, khi có biểu hiện bất thường báo ngay cho cán bộ thú y xã để có biện pháp can thiệp. Chủ động dự trữ thức ăn trong mùa đông, hạn chế thiệt hại do đói, rét, dịch bệnh.

Chú trọng trong tất cả các khâu từ chăm sóc đến phòng bệnh, đàn vật nuôi của xã sinh trưởng, phát triển tốt. Đến nay, toàn xã có 1.858 con gia súc các loại, trong đó 1.277 con trâu, 55 con bò, 33 con ngựa, 194 con dê và trên 500 con lợn. Tỷ lệ tăng đàn hàng năm trung bình đạt 6%/năm, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Thời gian tới, xã tiếp tục quy hoạch vùng chăn thả nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có. Tuyên truyền, khuyến khích người dân mở rộng mô hình chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng hàng hóa; chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cỏ voi. Lồng ghép triển khai kịp thời, đúng đối tượng những chính sách hỗ trợ sản xuất của Chính phủ, của tỉnh…

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/x%C3%A3-n%E1%BA%ADm-c%E1%BA%A7n-t%E1%BA%ADp-trung-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-%C4%91%C3%A0n-gia-s%C3%BAc