Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Vừa qua, diện tích lúa mùa trà muộn và trà chính vụ trên các cánh đồng huyện Tân Uyên đang xuất hiện bệnh sâu cuốn lá nhỏ. Với sự phát hiện kịp thời của bà con nông dân cùng với sự vào cuộc tích cực của cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn, đến nay diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh đã được khống chế kịp thời.

Năm nay, toàn huyện gieo cấy 3.350ha lúa mùa. Từ những ngày đầu tháng 8, trên các cánh đồng của huyện, hầu hết các diện tích lúa trà chính và trà muộn xuất hiện đối tượng sâu cuốn lá nhỏ, tập trung tại cánh đồng các xã: Nậm Cần, Pắc Ta, Trung Đồng, Thân Thuộc, Mường Khoa, Phúc Khoa và thị trấn Tân Uyên với tổng diện tích gây hại 18ha. Mật độ trung bình từ 18 - 22 con/m2, cao: 22-26 con/m2, trong đó Trung Đồng bị nhiễm nhiều nhất, các xã còn lại diện tích nhiễm sâu bệnh từ 1-3ha. Sau khi được bà con nông dân phát hiện, báo cáo chính quyền xã, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) huyện đã xuống cơ sở kiểm tra, nắm tình hình và tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, khuyến cáo bà con sử dụng các loại thuốc phun phòng trừ trong thời điểm tuổi sâu còn nhỏ, khả năng can thiệp của thuốc tương đối tốt.

Nông dân xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên) phun thuốc diệt trừ sâu cuốn lá nhỏ trên diện tích lúa mùa.

Nông dân xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên) phun thuốc diệt trừ sâu cuốn lá nhỏ trên diện tích lúa mùa.

Anh Hoàng Ngọc Liêm - cán bộ kỹ thuật Trung tâm DVNN huyện phân tích: Với bệnh sâu cuốn lá nhỏ, bà con có thể phát hiện bằng mắt thường thông qua việc thường xuyên thăm đồng kiểm tra. Khi nhận thấy sâu giảm đột ngột so với những ngày trước, tuổi sâu sẽ được tính từ thời điểm đó. Khoảng 1-2 ngày sau, bà con cần tiến hành phun vì lúc này trứng bắt đầu nở, sâu còn nhỏ, tính kháng thuốc chưa cao. Khi sâu gây hại, lá lúa trắng, lứa tuổi sâu đã lên đến mức 4-5 thì khả năng tiêu diệt đối tượng sâu không còn hiệu quả nữa. Đồng thời, có thể diện tích gây hại đã lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến quang hợp của lúa và làm giảm năng suất, sản lượng lúa.

Xã Trung Đồng gieo cấy 525ha lúa mùa. Đây là một trong những xã có diện tích lúa mùa lớn so với vụ chiêm do nguồn nước không đủ canh tác 2 vụ, do đó nguồn lương thực của bà con chủ yếu trông chờ vào vụ này. Ngay từ những ngày đầu tháng 8, qua thăm đồng của bà con và công tác kiểm tra định kỳ của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) huyện phát hiện một số diện tích lúa tại bản Kim Pu có đối tượng sâu cuốn lá nhỏ gây hại trên diện tích khoảng 5ha. Chị Đỗ Thị Thùy Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hầu hết diện tích lúa của xã đang trong giai đoạn trổ đòng nên bà con thường xuyên thăm đồng nắm bắt tình hình đồng ruộng. Qua đó, phát hiện kịp thời đối tượng sâu cuốn lá nhỏ gây hại lúa và báo cáo xã có biện pháp chỉ đạo. Ngay sau đó, xã đã báo cáo Trung tâm DVNN huyện định hướng cho bà con sử dụng các chủng loại thuốc đặc hiệu để phun diệt trừ. Bà con tập trung nghe phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật và phun đồng loạt 2 đợt, đến nay đã khống chế kịp thời, không để sâu lây lan ra diện rộng.

Để có sự chỉ đạo tập trung, đồng loạt đối với các xã có diện tích lúa bị sâu gây hại, Trung tâm DVNN huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành công văn hướng dẫn và dự báo trong thời gian tới, sâu cuốn lá nhỏ sẽ sang tuổi 3, 4, 5, nếu không phòng trừ hiệu quả thì có thể sâu sẽ kháng thuốc. Thời điểm này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tăng cường cử cán bộ kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ. Đồng thời tăng cường kiểm tra việc buôn bán, kinh doanh các loại thuốc bảo vệ thực vật, không để tình trạng tăng giá hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng.

Trung tâm DVNN đã tăng cường cử cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở phối hợp với UBND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc nông dân thường xuyên thăm đồng, thực hiện phun thuốc, đặc biệt là phun ngay đối với diện tích lúa trà chính vụ đang thời kỳ làm đòng. Tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng cách, đúng liều lượng. Phun trừ khi mật độ sâu trên 25 con/m2, phun khi sâu tuổi nhỏ (1-2 tuổi) bằng các loại thuốc có hoạt chất như: abamectin, benzoate, indoxacard…; phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày khi mật độ sâu cao trên 100 con/m2. Phun vào buổi sáng khi trời khô sương hoặc vào chiều mát. Không phun thuốc khi trời sắp mưa hoặc vừa mưa xong, lá lúa còn ướt. Những ruộng phun xong gặp mưa phải phun lại.

Với sự khoanh vùng xử lý ngay những diện tích đã bị sâu cuốn lá nhỏ, hạn chế tối đa sâu lây lan ra diện rộng gây ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa, đến nay trên các cánh đồng của huyện Tân Uyên, lúa đã phát triển ổn định vào thời kỳ trổ bông, chắc hạt để chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, đem lại niềm vui cho bà con nông dân.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/ph%C3%B2ng-tr%E1%BB%AB-k%E1%BB%8Bp-th%E1%BB%9Di-s%C3%A2u-b%E1%BB%87nh-tr%C3%AAn-l%C3%BAa-m%C3%B9a