Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Nhìn vào số liệu báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở Tân Uyên trong những tháng 'nước rút về đích' năm 2021, có một lĩnh vực phát triển nổi trội hơn đó là công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Dẫu tình hình dịch Covid-19 tác động xấu đến nền kinh tế song ở Tân Uyên, lĩnh vực này vẫn trên đà phát triển.

Sau vụ mùa bội thu, bà con nông dân chuẩn bị đất cho vụ chiêm xuân. Nhiều gia đình bán thóc, ngô có tiền sắm nông cụ lao động. Dù tối muộn song nhóm người dân từ xã Hố Mít mới mua xong nông cụ để chở về nhà. Mỗi cặp vợ chồng chất lên xe một loại máy, anh Hảng A Mừng vui vẻ cho hay, chuẩn bị vào vụ mới, các gia đình trong bản tranh thủ ra trung tâm huyện mua máy cày, bừa về làm đất. Có máy, bàn tay lao động được nghỉ ngơi, không phải cuốc, xới nhiều như trước.

Anh Nguyễn Văn Bằng – chủ cửa hàng Điện máy nông nghiệp Tuyết Bằng (bản Nà Bảo, xã Thân Thuộc) cho biết: “Cơ sở chúng tôi mới được xây dựng năm 2020 với nguồn vốn quy mô ban đầu khoảng 1 tỷ đồng. Cửa hàng chuyên kinh doanh các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, dụng cụ cầm tay (khoan bào, máy cưa, máy băm bèo, thái chuối) và một số đồ gia dụng, điện nước.

Vị trí kinh doanh ở ngay mặt đường nên thuận lợi cho quá trình vận chuyển, trao đổi mua bán của người dân. Khách hàng chủ yếu là bà con nông dân các xã lân cận như: Hố Mít, Pắc Ta, Trung Đồng, thị trấn và thậm chí có cả người dân các xã thuộc huyện Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái). Thời điểm vào vụ gieo cấy, nhu cầu mua nông cụ của bà con rất lớn, có ngày bán hàng trăm triệu đồng. Máy móc rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo hành cẩn thận, vận chuyển đến tận nhà nếu khách hàng có nhu cầu, do đó số lượng khách hàng tìm đến cửa hàng chúng tôi mỗi ngày một đông”.

Người dân đến tìm hiểu và mua sản phẩm tại Cửa hàng Điện máy nông nghiệp Tuyết Bằng.

Người dân đến tìm hiểu và mua sản phẩm tại Cửa hàng Điện máy nông nghiệp Tuyết Bằng.

Cửa hàng Điện máy nông nghiệp Tuyết Bằng ở khu vực xã Thân Thuộc, xa trung tâm huyện, còn trên địa bàn thị trấn và các xã lân cận nay các cơ sở tiểu thủ công nghiệp mọc lên như nấm. Nhiều ngành nghề đa dạng, phong phú hình thành như: sửa chữa cơ khí, máy móc, cơ khí, xe máy; sản xuất gạch bi; nấu rượu thủ công, làm bánh mì, xuất khẩu chè…

Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có 4 cơ sở khai thác đá và mỏ khác; 103 cơ sở sản xuất, chế biến công nghiệp như: thực phẩm, đồ uống, thuốc lào, trang phục, dệt, sản phẩm từ gỗ và lâm sản, chất khoáng phi kim loại, thiết bị điện tử, giường, tủ, bàn ghế… và 5 cơ sở sản xuất, phân phối điện, khí đốt và nước. Chưa kể có gần 120 cơ sở nấu rượu thủ công, trên 20 hiệu sửa chữa xe máy, 6 cơ sở làm bánh mì…

Ông Nguyễn Trọng Hài – Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Uyên nhận định: Hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển ngày càng rộng rãi. Tập trung vào các lĩnh vực như: chế biến nông, lâm sản, khai thác thủy điện, vật liệu xây dựng, sản xuất chế biến chè… Đối với lĩnh vực sản xuất và chế biến chè, do ảnh hưởng lớn vì dịch Covid-19, tình hình xuất khẩu sản phẩm chè khô sang nước ngoài gặp nhiều trở ngại. Dẫu vậy, các đơn vị chuyên thu mua, sản xuất chế biến chè như Công ty Cổ phần Trà Than Uyên (chiếm chủ yếu) và các doanh nghiệp, hợp tác xã có ngành nghề tương tự vẫn năng động tìm mối tiêu thụ.

Các sản phẩm chè chất lượng vẫn tìm được hướng đi trên thương trường. Tính đến thời điểm tháng 11, tổng giá trị xuất khẩu đạt 2,32 triệu USD, trong đó sản phẩm chè chiếm tới gần 97% với khối lượng xuất khẩu đạt 930 tấn chè (tương đương 2,24 triệu USD). Ngoài ra sản phẩm xuất khẩu còn có thảo quả, chuối xanh…

Tính đến 20/10, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (giá hiện hành) trên địa bàn toàn huyện đạt 258,332 tỷ đồng. Về hệ thống lưới điện được duy trì với hệ thống truyền tải gồm trên 203km đường dây, trong đó, đường dây 35kV là trên 163km và gần 198km đường dây 0,4kV. 112 trạm biến áp với tổng dung lượng 12,446kVA đảm bảo cấp điện an toàn, cơ bản đáp ứng được tình hình sử dụng điện của Nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 nhà máy thủy điện đang hoạt động với công suất 25,4MW đã hòa vào lưới điện quốc gia. Còn lại 9 dự án thủy điện đang được đầu tư xây dựng, dự kiến trong những năm tới sẽ hòa vào điện lưới quốc gia với sản lượng điện năng đạt 55 triệu 265 nghìn kVh.

Kết quả trên không chỉ dừng lại ở ý nghĩa tích cực từ những con số, qua đó thể hiện bức tranh phát triển kinh tế xã hội ở Tân Uyên đang ngày càng tươi sáng. Nhờ vậy, đã góp phần giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Để lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển hơn nữa, thời gian tới, chính quyền huyện và các xã tiếp tục vận động tuyên truyền người dân đổi mới tư duy, ly nông, đi học nghề, mạnh dạn đầu tư vốn để làm ăn. Mặt khác tạo điều kiện tối đa về cơ chế chính sách, mặt bằng thuê đất để các cá nhân, nhóm hộ mở xưởng đầu tư… Các chi nhánh ngân hàng đứng chân trên địa bàn cũng thực hiện các chính sách giãn, giảm lãi suất tạo điều kiện cho Nhân dân được tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/s%E1%BB%A9c-b%E1%BA%ADt-t%E1%BB%AB-l%C4%A9nh-v%E1%BB%B1c-c%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-ti%E1%BB%83u-th%E1%BB%A7-c%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p