Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Có nhiều ưu điểm: ngắn ngày, dễ trồng, sản lượng cao… đậu tương DT84 ngay sau khi được đưa vào trồng thí điểm thông qua mô hình sinh kế vụ thu đông do Tổ chức Plan international vùng dự án Lai Châu phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Thổ, Ban Điều hành Plan xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) triển khai đã mang lại hiệu quả. Qua đó, tạo niềm tin, động lực để người dân trên địa bàn mạnh dạn nhân rộng trong thời gian tới.

Những ngày cuối tháng 12/2021, khu vực sườn núi gần trung tâm xã Nậm Xe trở nên nhộn nhịp hơn ngày thường bởi có cán bộ và nhiều người dân trong xã đến tham qua mô hình sinh kế trồng cây đậu tương DT84 vụ thu đông. Với bất kỳ ai đã từng ở gần hay đến khu vực này đều có thể dễ dàng nhận ra mầu vàng của thân, lá, quả đậu tương đã thay thế mầu xanh của cây ngô.

Chị Lý Thị Thảo ở bản Po Chà chia sẻ: Trước đây, tôi chỉ trồng đậu tương xen canh với cây ngô. Số lượng cây trong một khóm nhiều, khoảng cách giữa các cây không đảm bảo dẫn đến cây cho quả ít và nhỏ. Được tham quan mô hình, thấy giống DT84 quả to, sai quả lại được các cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác cẩn thận, khoảng cách hàng cách hàng 20cm, mỗi m2 chỉ trồng 50-55 cây, tôi sẽ vận dụng tốt kỹ thuật này.

Người dân xã Nậm Xe thu hoạch đậu tương DT84.

Người dân xã Nậm Xe thu hoạch đậu tương DT84.

Bày tỏ sự hài lòng về giống đậu tương DT84, chị Lý Thị Tiền ở bản Mỏ nói: Hàng năm, 1.000m2 đất của gia đình tôi trồng 2 vụ ngô để làm thức ăn trong chăn nuôi. Tham gia mô hình trồng cây đậu tương lần này, tôi thấy cây có nhiều ưu điểm, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương, dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, nhất là ngắn ngày, rất phù hợp trồng vụ thu đông. Từ diện tích này, tôi có thể chuyển đổi đất 2 vụ ngô thành 3 vụ (2 vụ ngô, 1 vụ đậu tương). Những năm sau, tôi tiếp tục trồng đậu tương DT84 để có thêm nguồn thu cho gia đình”.

Mô hình sinh kế trồng cây đậu tương DT84 vụ thu đông nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc dự án “Tăng cường phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Hà Giang và Lai Châu” do Tổ chức Plan international vùng dự án Lai Châu phối hợp thực hiện. Mô hình được triển khai từ tháng 9/2021 trên diện tích 4,8ha tại 4 bản: Po Chà, Mấn 1, Mấn 2 và Bản Mỏ. 48 hộ gia đình là đoàn viên thanh niên tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch.

Chị Phùng Khánh Ly - cán bộ dự án của Tổ chức Plan international vùng dự án Lai Châu (phụ trách dự án “Tăng cường phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Hà Giang và Lai Châu”) cho biết: Mô hình sinh kế trồng cây đậu tương DT84 vụ thu đông là một trong những mô hình mà dự án đang triển khai. Nậm Xe là 1 trong 5 xã thuộc vùng dự án, địa hình đất dốc, canh tác lâu ngày các chất dinh dưỡng trên bề mặt bị rửa trôi, cần được cải tạo... do đó, tổ chức lựa chọn xã Nậm Xe để triển khai thí điểm mô hình. Để mô hình triển khai thành công, ngay từ đầu tổ chức đã phối hợp với các bên liên quan tiến hành điều tra, đánh giá tình hình điều kiện thời tiết thực tế và nguồn lao động tại địa phương. Lựa chọn các hộ gia đình đủ điều kiện tham gia mô hình, tiến hành tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn người dân trồng theo đúng kỹ thuật.

Sau hơn 3 tháng triển khai, mô hình đã mang lại hiệu quả với tỷ lệ cây sống cao. Cây sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Số quả trên mỗi cây đạt trung bình từ 15-18 quả, tương đương 30-36 quả/khóm. Tỷ lệ hạt chắc chiếm 95%. Năng suất ước đạt 13 tạ khô/ha. Với giá bán trung bình 1,8 triệu đồng/tạ, sau khi trừ chi phí mỗi hecta đậu tương người dân thu lãi trên 13 triệu đồng, như vậy mỗi hộ gia đình tham gia mô hình sau khi thu hoạch và bán đậu tương có lãi trên 1,3 triệu đồng.

Hiện nay, trên địa bàn xã Nậm Xe nói riêng, huyện Phong Thổ nói chung còn nhiều diện tích đất có thể tận dụng canh tác vụ thu đông. Chính vì vậy, thành công của mô hình về giá trị kinh tế mang lại cộng với khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên khí hậu địa phương của cây đậu tương, kỹ thuật thực hiện dễ, phù hợp với trình độ lao động rất thuận lợi cho việc duy trì và nhân rộng mô hình. Thông qua mô hình để người dân trang bị thêm kiến thức, kỹ thuật canh tác, thay đổi tập quán trồng cây đậu tương cũng như tìm ra giống cây trồng mới phù hợp trồng vụ thu đông.

Mô hình cũng là cơ sở để xã Nậm Xe đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm phong phú thêm giống cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất trên cùng đơn vị diện tích (đậu tương có thể trồng xen với chè trong giai đoạn kiến thiết cơ bản). Đồng thời, thêm điều kiện cải tạo đất, nâng cao độ phì nhiêu cho đất, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiến đến tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/tri%E1%BB%83n-v%E1%BB%8Dng-c%C3%A2y-%C4%91%E1%BA%ADu-t%C6%B0%C6%A1ng-dt84